Maseco là chủ sở hữu thương hiệu máy hát karaoke Arirang nổi tiếng. Ảnh: Arirang. |
Thậm chí, trong bản cáo bạch niêm yết công bố hồi năm 2016, Maseco còn khẳng định trong hơn 20 năm có mặt trên thị trường nội địa, công ty luôn được biết đến là nhà sản xuất hàng đầu về máy karaoke.
Sản xuất đồ điện tử phục vụ hát karaoke không phải mảng kinh doanh lớn nhất tại Maseco, nhưng nhiều năm liền đây lại là mảng kinh doanh hiệu quả nhất với tỷ suất lợi nhuận rất cao.
Cụ thể, năm 2014, mảng kinh doanh hàng điện tử mang về cho công ty này tới 682 tỷ đồng doanh thu thuần, tương đương hơn một nửa doanh thu từ hàng nông sản (1.230 tỷ đồng). Tuy nhiên, lợi nhuận từ hàng điện tử lại lên tới 218 tỷ đồng, chỉ thấp hơn 15% so với mảng nông sản (259 tỷ).
Tương đương, biên lợi nhuận của hàng điện tử tại Maseco lên tới 32%, cao hơn nhiều so với chỉ 21% của hàng nông sản.
Những năm sau đó, hàng điện tử có dấu hiệu đi xuống nhưng vẫn đạt doanh thu ở mức cao, trên 600 tỷ đồng và lợi nhuận trên dưới 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2017, mảng kinh doanh này bắt đầu đi xuống rõ rệt khi chỉ mang về cho công ty 336 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 53 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Thậm chí, năm 2018 vừa qua, mảng kinh doanh này chỉ còn đóng góp cho công ty vỏn vẹn 173 tỷ doanh thu thuần và lỗ trước thuế hơn 50 tỷ.
Việc chấm dứt kinh doanh hàng điện tử như một biện pháp nhằm cắt bớt một phần thua lỗ trong hoạt động của Maseco khi mà thị phần trong mảng này của công ty đã mất rất nhiều.
Vì đâu kinh doanh máy hát karaoke thua lỗ?
Nguyên nhân khiến Arirang từ “ông trùm” trong ngành công nghiệp sản xuất máy hát karaoke phải thua lỗ rồi rút khỏi thị trường chính là việc không thể giữ nổi thị phần trước sức cạnh tranh của các nhà sản xuất nội địa khác và các đại gia ngoại.
Ban lãnh đạo Maseco từng thừa nhận hàng hóa công ty đã lạc hậu kỹ thuật, lỗi mốt, lỗi thời, chậm luân chuyển do không còn phù hợp với nhu cầu thị trường khiến giá trị tồn kho hàng điện tử cao.
Từ năm 2016, công ty gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Nhật Bản về cả giá thành và công nghệ sản xuất hiện đại.
Trong khi đó, việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã mang lại thách thức không nhỏ với các hãng điện tử trong nước (gồm cả Maseco) trong việc cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Khi đó, các hàng rào bảo hộ thuế quan của thị trường nội địa dần bị loại bỏ và các ưu đãi trợ cấp của Nhà nước bị cắt bỏ.
Trên thực tế, hàng điện tử cũng không phải mảng kinh doanh duy nhất của Maseco gặp khó khăn trong những năm vừa qua. Báo cáo kết quả kinh doanh của công ty cho thấy trong khi hàng điện tử gặp khó khăn thì kinh doanh nông sản cũng không khá hơn.
Cụ thể, giai đoạn hàng điện tử bắt đầu dấu hiệu đi xuống thì kết quả kinh doanh nông sản thậm chí đã báo lỗ từ năm 2015. Từ mức doanh thu hơn 1.230 tỷ đồng vào năm 2014, sau 3 năm, doanh thu hoạt động này của Maseco giảm một nửa, với lợi nhuận chỉ bằng 1/20.
Trong năm gần nhất, hàng điện tử lỗ 50 tỷ thì hàng nông sản còn lỗ tới gần 63 tỷ đồng. Tính cả năm 2018, công ty này chỉ đạt 928 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 13% và lỗ trước thuế gần 161 tỷ đồng. Đây cũng là năm đầu tiên Maseco thua lỗ trong hơn một thập kỷ qua.
Sau khi rút lui khỏi thị trường hàng điện tử, Maseco dự kiến sẽ sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề kinh doanh và tiếp tục hoạt động bất động sản, quảng cáo.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ đầu tư xây dựng showroom để kinh doanh ôtô, dự kiến đây sẽ là ngành nghề chủ lực của công ty từ năm nay. Ban lãnh đạo công ty cũng cho biết dự kiến hoạt động kinh doanh sẽ phải đến năm 2020 mới có lợi nhuận.
Maseco tiền thân là Công ty Vật tư Dịch vụ Du lịch Phú Nhuận được thành lập từ năm 1991 trên cơ sở sáp nhập từ 2 công ty thuộc quận Phú Nhuận (TP.HCM) khác. Doanh nghiệp này được cổ phần hóa từ năm 2001 với vốn điều lệ khi đó là 20 tỷ đồng. Hiện tại, công ty có vốn điều lệ đạt 225 tỷ và 100% là vốn nắm giữ tư nhân.
">