Về độ phân giải, năm tới có thể sẽ phổ biến màn hình QHD (2K) hơn. Sony đã ra màn hình 4K đầu tiên trong năm 2015 nhưng chúng ta không nên kỳ vọng màn hình 4K sẽ vượt mặt QHD trên smartphone trong tương lai gần. Chất lượng màn hình là sự dung hoà giữa độ phân giải, kích màn hình, góc nhìn và chất lượng hiển thị. Từ quan điểm đó, màn hình 4K sẽ phù hợp hơn với các thiết bị lớn như máy tính bảng hay laptop lai. Ngay cả khi chi phí của việc sử dụng độ phân giải 4K giảm thực sự mạnh mẽ thì màn hình QHD vẫn sẽ phổ biến hơn trên smartphone.
Hai công nghệ màn hình khác được quan tâm trong năm nay là màn hình cong (Galaxy Edge) và cảm ứng lực (3D Touch trên iPhone 6s). Tuy vậy, chức năng của chúng trong cuộc sống hàng ngày vẫn còn nhiều tranh luận. Google sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc đưa những công nghệ này vào nhiều thiết bị hơn. Nếu phiên bản Android tới được tích hợp những tính năng tận dụng hai công nghệ màn hình này thì chúng ta có thể kỳ vọng chúng sẽ cất cánh. Tuy vậy, điều này có vẻ không dễ xảy ra.
Vi xử lý và RAM: nhu cầu chạy đua cấu hình giảm dần
Có một số vi xử lý cao cấp sẽ ra mắt thị trường năm 2016 gồm Snapdragon 820, Exynos 8890 và Kirin 950. Những vi xử lý này sẽ mang lại những cải tiến căn bản như tốc độ xử lý, hiệu suất sử dụng năng lượng, khả năng xử lý hình ảnh và kết nối không dây. Còn về RAM, có thể hầu hết smartphone Android cao cấp trong năm tới sẽ dùng RAM 4GB để cải thiện khả năng đa nhiệm và hiệu năng nói chung.
Tuy nhiên, nhu cầu chạy đua về vi xử lý và RAM trong năm 2016 có thể sẽ tiến đến điểm bão hoà hay nói cách khác là việc gia tăng những thông số này sẽ không còn gây ấn tượng mạnh nữa. Điều này xuất phát từ thực tế là những cấu hình vi xử lý và RAM hiện đã ở mức cao rồi, trong khi các ứng dụng và website ngày càng được các nhà phát triển tập trung tối ưu tốt hơn cho thiết bị di động.
Hiện nay, ngay cả những smartphone tầm trung hầu như không còn hiện tượng lag với hoạt động sử dụng thông thường nữa, trừ khi chạy đa nhiệm hoặc những ứng dụng đòi hỏi nhiều bộ nhớ. Chính vì vậy, những cải tiến trên các smarthphone cao cấp trong những năm tới sẽ tập trung nhiều hơn vào các yếu tố như thời lượng pin, tính thẩm mỹ và chất lượng vật liệu.
Thời lượng pin: cải thiện ít
Mặc dù dung lượng pin trên điện thoại tăng đều đặn trong những năm qua nhưng điểm này vẫn có sự khác biệt lớn giữa các sản phẩm trên thị trường. Chẳng hạn, iPhone 6s có pin 1715 mAh trong khi pin của chiếc Motorola Droid Turbo 2 có tới 3760 mAh.
Hiện nay, pin lớn là lợi thế nên dễ hiểu các smartphone cao cấp tới đây sẽ được cải thiện ở khía cạnh này. Chúng ta nên biết rằng các vi xử lý thế hệ mới cùng với những tối ưu về phần mềm như tính năng Doze trong Android 6 Marshmallow sẽ giúp thời lượng pin dài hơn. Trong bối cảnh đó, pin rời (yêu cầu nắp lưng tháo ra được) sẽ trở thành quá khứ trên phân khúc cao cấp từ năm 2016 trở đi. Hầu hết smartphone cao cấp tới đây sẽ sử dụng thiết kế liền khối, thậm chí các tin rò rỉ mới đây cho thấy rằng cả LG, nhà sản xuất điện thoại lớn duy nhất hiện nay tiếp tục sử dụng thiết kế pin rời, cũng sẽ thay đổi thiết kế nguyên khối trên chiếc LG G5.
Về chức năng sạc, chúng ta có thể hy vọng hầu hết smartphone cao cấp năm tới sẽ trang bị cổng USB Type-C cũng như khả năng sạc không dây và sạc nhanh.
Vật liệu: kim loại sẽ là điều bình thường
Trong năm 2015, hai nhà sản xuất lớn (Samsung và Google/Nexus) đã chuyển sang sử dụng vật liệu cao cấp (kính và nhôm) trong các sản phẩm cao cấp của họ. Chúng ta chỉ còn chờ LG và Motorola sẽ có bước chuyển đổi tương tự. Tương đối ít khả năng Motorola, hiện cung cấp khả năng tuỳ biến linh hoạt qua chương trình Moto Maker, sẽ thay đổi vật liệu thiết kế mặc dù gần đây có tin rò rỉ cho thấy hãng này sẽ chuyển sang kim loại nguyên khối. Với LG, có tin rò rỉ cho rằng chiếc LG G5 sẽ được thiết kế kim loại nguyên khối hoàn toàn.
Khi mà những cải tiến về cấu hình ngày càng tiến đến giới hạn thì hình thức thiết kế và vật liệu sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thu hút người mua. Đó là lý do các nhà sản xuất sẽ phải tập trung vào điểm này trên các smartphone cao cấp của mình trong năm 2016.
Camera: kích cỡ điểm ảnh sẽ lớn hơn
Các nhà sản xuất điện thoại lâu nay vẫn chạy đua để cải thiện và mở rộng khả năng của camera. Trong năm 2015, hầu hết nhà sản xuất sử dụng cảm biến Sony trong camera trên smartphone của mình và điều này giúp bộ phận sản xuất linh kiện hình ảnh của Sony trở thành đơn vị có lãi lớn nhất.
Các smartphone cao cấp hiện nay đều có camera từ 12MP (iPhone 6s và Nexus 6P) đến 23 MP (Sony Xperia Z5). Mặc dù có sự khác biệt về độ phân giải lớn như vậy nhưng sự khác biệt về chất lượng ảnh chụp ban ngày giữa các thiết bị là không nhiều. Tuy vậy, chất lượng chụp ảnh thiếu sáng tiếp tục là vấn đề với các smartphone cao cấp.
Để xử lý vấn đề này, năm nay Google đã tăng kích cỡ điểm ảnh (pixel) thay vì gia tăng độ phân giải cho camera. Định hướng này có thể sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2016. Phần lớn smartphone cao cấp năm tới có thể sẽ có kích cỡ điểm ảnh lớn hơn so với thế hệ cũ. Kích cỡ điểm ảnh càng lớn thì khả năng thu sáng sẽ càng tốt hơn.
Một xu hướng khác có lẽ là camera kép, công nghệ đã từng được một số hãng như HTC và Huawei áp dụng. Hai camera có thể được tối ưu cho những điều kiện ánh sáng tốt và thiếu sáng, kết hợp với các thuật toán xử lý hình ảnh để tạo ra những bức ảnh đẹp hơn.
Về việc quay video, độ phân giải 4K sẽ là tiêu chuẩn trong năm 2016 và có thể tính năng chống rung quang học cũng sẽ trở thành tiêu chuẩn (tính năng này hiện vẫn chưa có mặt trên một số thiết bị cao cấp như Nexus 6P).
Chất lượng phần cứng của camera trước sẽ tiếp tục được cải thiện. Mặc dù hiện đã có một số điện thoại sở hữu camera trước 13MP nhưng năm 2016 thì tiêu chuẩn chung của camera trước sẽ là 8MP. Năm nay, chúng ta thấy Apple không dùng đèn flash cho camera trước trên iPhone mà sử dụng ánh sáng màn hình để trợ sáng. Có thể năm tới, các nhà sản xuất khác cũng sẽ đi theo hướng này để cải thiện ảnh tự sướng khi chụp thiếu sáng.
Cảm biến vân tay: phổ biến
Cảm biến vân tay đã có mặt trên một số điện thoại Android từ vài năm nay nhưng phải đến Android 6 Marshmallow thì Google mới chính thức hỗ trợ công nghệ này ngay trên hệ điều hành. Nhiều smartphone cao cấp và cả tầm trung hiện nay đã có cảm biến vân tay và điều này chắc chắn sẽ còn phổ biến hơn trong năm 2016.
Tóm lại, 2016 chắc chắn sẽ là năm thú vị cho người dùng tìm kiếm smartphone Android cao cấp mới và những thiết bị này sẽ có nhiều cải tiến so với phiên bản 2015. Mặc dù một số lĩnh vực phần cứng đang tiến tới ngưỡng bão hoà nhưng nhiều hãng vẫn sẽ tiếp tục đổ tiền cho cuộc đua cấu hình vốn đã tồn tại nhiều năm nay.
">