|
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì hội nghị về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. (Ảnh: Sở TT&TT Hà Nội) |
Thời gian qua, số ca mắc tăng nhanh, tuy nhiên các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch (kiểm soát tỉ lệ tử vong, chuyển nặng; đảm bảo số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống) vẫn được đảm bảo, phù hợp với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo đánh giá mức độ dịch trên địa bàn, đến nay Hà Nội có 66/579 xã, phường, thị trấn cấp độ 1; 187/579 xã, phường, thị trấn cấp độ 2; 326/579 xã, phường, thị trấn cấp độ 3; không có xã, phường, thị trấn nào cấp độ 4. Về công tác tiêm chủng, toàn thành phố đã tiêm được 16.124.773 mũi. Từ ngày 27/4 đến nay, các bệnh viện, cơ sở thu dung, các địa phương đã tiếp nhận quản lý, điều trị tổng số 495.130 bệnh nhân; đang điều trị 242.971 người…
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xử lý thủ tục hành chính quản lý F0 tại nhà
Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, tuần qua đơn vị đã phối hợp với Sở Y tế ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan về công tác phòng, chống dịch bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19 khi học sinh trở lại trường học.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong tuần qua đơn vị đã căn cứ vào đánh giá cấp độ dịch của thành phố để gửi thông báo đến các nhà trường, trong đó những địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3 thì chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến; các trường có cấp độ dịch cấp độ 1 và 2 thì học trực tiếp. Các cơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt vận dụng hình thức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên.
Đáng chú ý, đại diện Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội cho hay, sau khi được UBND thành phố giao nhiệm vụ, đơn vị đã phối hợp với Sở TT&TT xây dựng phần mềm tháo gỡ về mặt kỹ thuật cấp giấy chứng nhận nghỉ việc được hưởng bảo hiểm cấp cho người lao động khi bị nhiễm Covid-19. Phần mềm này xử lý hoàn toàn tự động, rất nhanh chóng, thuận tiện, đang chờ chạy demo và thử nghiệm. Ngoài ra, đơn vị vẫn liên tục việc hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động.
Liên quan tới nội dung này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị các đơn vị cần thực hiện gấp, không chờ tới tuần sau. Đồng thời, giao Sở TT&TT, Bảo hiểm Xã hội thành phố tập huấn triển khai đại trà việc dùng chữ ký số, liên quan tới các thủ tục xác nhận bảo hiểm xã hội cho người có nhu cầu. “Đề nghị các đồng chí vào cuộc sớm, có thể tập huấn buổi tối bằng hình thức trực tuyến. Phải vào cuộc tích cực, hỗ trợ cho người dân thực hiện các thủ tục được thuận lợi”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Trong phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xử lý thủ tục hành chính quản lý F0 tại nhà. Theo đó, Sở Y tế chủ trì phối hợp với Bảo hiểm Xã hội và Sở TT&TT khẩn trương giải quyết về vấn đề hạ tầng, cần thiết huy động sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn.
Vân Anh
Người dân Hà Nội gọi tư vấn chăm sóc F0 tại nhà qua nhánh 2 Tổng đài 1022
Từ ngày 4/3, Hà Nội điều chỉnh các nhánh 1, 2 và 3 của Tổng đài 1022. Theo đó, kênh kết nối với Mạng lưới thầy thuốc đồng hành để được tư vấn, chăm sóc F0 tại nhà sẽ là nhánh 2, thay vì nhánh 3 như trước đây.
">