Hành trình gian nan đòi lại căn nhà giúp thân chủ
Sau gần 10 năm theo đuổi vụ kiện thân chủ để đòi tiền hứa thưởng,ànhtrìnhgiannanđòinhàvàcúlậtkèocủathânchủlịch.âm mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên buộc những người thừa kế của bà Vương Thị Khanh và ông Nguyễn Đắc Quang phải có trách nhiệm trả cho luật gia Đặng Đình Thịnh 113 tỷ đồng.
“Việc khởi kiện thân chủ của mình ra tòa là điều không ai mong muốn, tôi rất đau lòng, khổ tâm khi phải làm việc này”.
Luật gia Thịnh nhớ lại, năm 2006, bà Khanh từ Mỹ về Việt Nam đã cùng con trai là ông Quang tới gặp để nhờ ông đòi giúp lại căn nhà của gia đình ở 446-448 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM).
Theo hồ sơ bà Khanh cung cấp, giữa tháng 12/1980, trước khi xuất cảnh, vợ chồng bà đã ủy quyền quản lý, sử dụng căn nhà cho ông Phan Bình. Đến tháng năm 2000, căn nhà đã được xác lập sở hữu Nhà nước.
Nhận tập hồ sơ của mẹ con bà Khanh cung cấp, ông Thịnh về đọc đi đọc lại, nghiên cứu tính pháp lý, cơ sở để có thể đòi lại căn nhà. Ông nhận thấy thân chủ đi nước ngoài hợp pháp, gia đình không làm việc trong chế độ cũ. Vì vậy, ông Thịnh quyết định nhận lời.
Ròng rã nhiều năm đi khiếu nại giúp thân chủ tại các cơ quan chức năng ở TP.HCM và của Trung ương, vị luật gia nhiều lần nhận được các quyết định bác khiếu nại.
Vụ việc đi vào ngõ cụt khiến luật gia Thịnh nhiều lúc thấy nản lòng, nhưng được sự động viên của gia đình và mong muốn bảo vệ công lý nên ông lại tiếp tục hành trình của mình.
Để tìm cơ sở pháp lý chứng minh rằng Nhà nước quản lý căn nhà là không đúng, ông đã tới thư viện Quốc gia cả tuần trời để tìm các tài liệu lưu trữ.
Cuối cùng khiếu nại của ông đã được Chính phủ xem xét, giao cho cơ quan liên ngành gồm: Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ, UBND TP.HCM xem xét giải quyết rồi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Cơ quan liên ngành đã dựa trên Nghị quyết 1037 của Quốc hội về xem xét, giải quyết việc quản lý nhà theo chính sách XHCN và nhận thấy, việc Nhà nước quản lý căn nhà của bà Khanh là không đúng.
Vì vậy, tháng 6/2011, Bộ Xây dựng đã ra Quyết định trả lại căn nhà cho bà Khanh.
“Chính phủ sẵn sàng khôi phục quyền sở hữu tài sản của Việt kiều, điều này thể hiện Nhà nước ta là một Nhà nước pháp quyền. Bà Khanh là Việt kiều đầu tiên được Nhà nước trả lại căn nhà có giá trị lớn. Từ vụ việc của bà Khanh đã tạo tiền lệ tốt cho các vụ việc tương tự sau này”, luật gia Đặng Đình Thịnh cho hay.
Thân chủ bất ngờ “lật kèo”
Ngay khi căn nhà được trao trả, ông Thịnh viết thư gửi qua Mỹ báo tin vui cho bà Khanh. Thế nhưng, 2 lá thư được gửi đi nhưng bà Khanh “bặt vô âm tín”, không một lời phúc đáp. Nhận thấy điều bất thường, ông Thịnh đã lẳng lặng đi tìm hiểu thì phát hiện ra gia đình bà Khanh đã âm thầm đem căn nhà vừa đòi được đi bán và nhận đặt cọc của tận 2 người.
Lúc này, gia đình bà Khanh đã thản nhiên “lật kèo”, không chịu thực hiện hợp đồng hứa thưởng mà chỉ đưa một ít chi phí đi lại cho ông Thịnh.
Cực chẳng đành, ông Thịnh đã làm đơn khởi kiện thân chủ của mình ra tòa.
Năm 2015, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã buộc mẹ con bà Khanh phải thực hiện hợp đồng hứa thưởng cho ông Thịnh và trả lại tiền cọc cho người mua căn nhà.
Sau phiên sơ thẩm, VKSND TP.HCM đã kháng nghị hủy một phần bản án do vi phạm tố tụng. Ông Thịnh kháng cáo, đề nghị tách quan hệ tranh chấp hứa thưởng của ông ra giải quyết. Những người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng kháng cáo.
Tháng 6/2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, chấp nhận một phần kháng nghị của VKS, một phần kháng cáo của ông Thịnh, buộc đồng bị đơn là bà Khanh và ông Quang trả cho ông Thịnh gần 55 tỷ đồng hứa thưởng.
Tháng 7/2017, Chánh án TAND Tối cao đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy 2 Bản án sơ thẩm và phúc thẩm.
Tháng 5/2022, phiên sơ thẩm lần 2 tuyên buộc bị đơn phải thực hiện hợp đồng hứa thưởng, phải trả cho ông Thịnh 68 tỷ đồng.
Sau đó, ông Thịnh đã làm đơn kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm buộc các thừa kế của bà Khanh và ông Quang phải trả 35% giá trị toàn bộ nhà đất đòi được theo thời giá hiện nay là 113 tỷ đồng.