|
Làm việc trong lĩnh vực nhân sự, chị Trần Thị Ngọc Thảo, Trưởng bộ phận Phát triển Con người và Văn hóa tại một công ty ở TP.HCM, bắt đầu sử dụng LinkedIn từ năm 2018 để phục vụ cho công việc.
Ban đầu, chị Thảo tạo tài khoản LinkedIn vì được giới thiệu nhưng không sử dụng thường xuyên. Sau đó, chị bắt đầu nghiên cứu nền tảng này và nhận thấy đây là một mạng xã hội giúp ích nhiều cho công việc, đặc biệt trong tuyển dụng và học hỏi kinh nghiệm. Với chị, LinkedIn cũng là một kênh để xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả.
Tuy nhiên, mọi mạng xã hội đều có mặt trái, khiến người dùng gặp những trải nghiệm không thoải mái. Những HR nữ thường xuyên dùng LinkedIn như một công cụ làm việc như chị Thảo không phải ngoại lệ.
Nền tảng chuyên nghiệp cũng có kẻ quấy rối
LinkedIn luôn được đánh giá là một môi trường chuyên nghiệp để xây dựng hồ sơ cá nhân và mở rộng kết nối. Tuy nhiên, sự chuyên nghiệp của nền tảng này bị phá vỡ bởi loạt hành động phản cảm như quấy rối, tán tỉnh, bàn tán về ngoại hình… Nạn nhân phần lớn là nữ giới.
Chị Ngọc Thảo là một trường hợp như vậy. Chia sẻ câu chuyện của bản thân trên LinkedIn, chị Thảo cho biết một lãnh đạo cấp cao từng nhắn tin cho chị thông qua phần tin nhắn trên nền tảng này, mời chị làm giám đốc nhân sự cho công ty.
|
Chị Ngọc Thảo từng bị một lãnh đạo cấp cao quấy rối khi dùng LinkedIn. Ảnh: NVCC. |
Thời điểm đó, do chưa có nhu cầu tìm việc, chị Thảo từ chối lời mời, đồng thời nói thêm nếu người đó cần tuyển người, chị có thể giới thiệu ứng viên. Thay vì đón nhận đề nghị của chị Thảo, lãnh đạo này lại trả lời: “Không, anh chỉ thích em”. Khi đó, chị Thảo không trả lời, chỉ làm lơ.
“Mình không xem đây là một câu để đùa vì mình nghĩ đó là quấy rối, thiếu tôn trọng ứng viên”, chị Thảo nêu ý kiến.
Trao đổi với Zing, chị Ngọc Thảo cho biết quấy rối tình dục bao gồm nhiều tổ hợp hành động hoặc lời nói mang tính trêu chọc, gợi tình. Nhiều người lầm tưởng chỉ những hành động đụng chạm cơ thể hoặc đùa cợt khiếm nhã mới được cho là quấy rối. Chính cách hiểu sai này khiến nhiều người ở Việt Nam vô tư trêu đùa người khác và nghĩ không có gì nghiêm trọng.
Tương tự, Nguyễn Trân (làm việc trong lĩnh vực đối ngoại) cũng từng bắt gặp nhiều câu chuyện giống trường hợp của chị Ngọc Thảo.
Trân nhớ lại, một lần khi lướt LinkedIn, cô thấy một bạn HR đăng bài tuyển nhân sự. Dưới bài đăng không có bình luận liên quan việc ứng tuyển mà ngập tràn những lời trêu chọc khiếm nhã như “Em xinh quá”, “HR xinh như vậy có cần tuyển bạn trai không”, “Anh ứng tuyển làm bạn trai em được không”...
Chỉ là người ngoài cuộc nhưng Nguyễn Trân vẫn cảm thấy khó chịu với những bình luận trong bài tuyển dụng đó. Trân từng cho rằng LinkedIn là một nền tảng chuyên nghiệp và “sạch”, nhưng giờ đây cô đã có cái nhìn khác.
Nguyễn Trân may mắn vì chưa từng bị quấy rối trên LinkedIn, nhưng cô từng bị tán tỉnh khi sử dụng nền tảng này. Đầu năm 2022, cô nhận được email từ một người đàn ông tự xưng là Hans, 48 tuổi, làm việc ở Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ. Người này cho biết ông tìm được email của Trân thông qua LinkedIn.
Trong email, người này nói vì ngưỡng mộ và quý mến Trân nên ông gửi mail để kể về cuộc sống của mình cho Trân nghe. Ông cũng bày tỏ mong muốn được kết thân với Trân nên gợi ý cô kể nhiều hơn về bản thân.
“Tôi đang tìm kiếm một mối quan hệ nghiêm túc nhưng nếu em đã kết hôn, chúng ta có thể làm bạn, nếu như em không phiền”, người đàn ông đề nghị.
Trân chia sẻ đây là lần đầu tiên cô nhận được lời mời yêu đương từ người lạ khi dùng mạng xã hội. Do lần đầu gặp phải trường hợp như vậy, cô khá lúng túng nên đã xóa email và không phản hồi.
LinkedIn chưa biết cách bảo vệ người dùng
Chặn hoặc làm ngơ là cách nhiều người thường làm khi nhận được những tin nhắn, bình luận quấy rối trên LinkedIn. Chị Ngọc Thảo cũng áp dụng cách này.
Sở hữu hồ sơ LinkedIn với hơn 35.000 người theo dõi nên các bài đăng của chị Ngọc Thảo thường nhận được nhiều lượt tương tác, bình luận. Chị khuyên rằng chúng ta nên bỏ qua những bình luận quấy rối, không nên tương tác, đôi co mà hãy cho người đó vào “danh sách đen”.
Nếu ứng viên nhắn tin và gửi những lời lẽ khiếm nhã, chị Thảo sẽ nhắc nhở cách nói chuyện như vậy là không chuyên nghiệp. Trong trường hợp ứng viên đùa thái quá, chị thẳng tay chặn và sau đó đăng bài chia sẻ câu chuyện. Chị Thảo cho rằng đây là cách tốt nhất để lan tỏa vấn đề cho cộng đồng để ngăn chặn những hành vi tiêu cực.
|
LinkedIn chưa áp dụng chính sách triệt để nhằm bảo vệ người dùng. Ảnh: Capital. |
Thực tế, LinkedIn vẫn có tính năng báo cáo để người dùng phản hồi những trường hợp gây khó chịu. Tuy nhiên, phần báo cáo vận hành chưa hiệu quả, người dùng chưa được bảo vệ đúng cách.
Năm 2020, bà Jillian Kowalchuk, CEO của Safe & The City, chia sẻ từ khi dùng LinkedIn vào năm 2012, bà hay nhận được nhiều tin nhắn quấy rối hoặc ảnh chụp bộ phận nhạy cảm của nam giới. Thời điểm đó, bà chọn cách chặn tin nhắn.
Một lần, bà Kowalchuk nhận được tin nhắn tán tỉnh từ một người đàn ông. Bà đã thẳng tay chặn người này và báo cáo lên LinkedIn với nội dung báo cáo là “quấy rối”.
Tuy nhiên, báo cáo của bà Kowalchuk không được LinkedIn duyệt. Nền tảng này gửi thông báo cho nữ CEO, nói rằng bộ phận hỗ trợ đã nhận được báo cáo, nhưng họ nhận thấy tin nhắn của người đàn ông kia không mang tính xâm phạm hay vi phạm chính sách cộng đồng của LinkedIn.
“Chúng tôi hiểu đây là những tin nhắn bạn không muốn nhìn thấy trên LinkedIn. Bạn có thể quản lý những tin nhắn bạn nhận được và chặn người dùng nếu bạn không muốn họ gửi tin nhắn cho bạn”, LinkedIn nêu trong thông báo gửi bà Kowalchuk.
TheoCTV News, khi một người dùng bị người khác báo cáo trên LinkedIn, nền tảng sẽ gửi một thông báo tự động, nêu rằng họ đang tiến hành xem xét nội dung liên quan việc báo cáo.
Nếu người dùng đó bị phát hiện vi phạm các nguyên tắc của LinkedIn hoặc vi phạm thỏa thuận người dùng, LinkedIn sẽ áp dụng một số biện pháp như cảnh cáo, đình chỉ tài khoản hoặc xóa tài khoản.
Nếu người dùng đó không vi phạm quy định của LinkedIn, người báo cáo sẽ nhận được một thông báo cho biết LinkedIn không đủ thẩm quyền để xử lý điều đó.
Trong một email gửi CTV Newsvào năm 2021, LinkedIn khẳng định việc gửi những tin nhắn không phù hợp trên LinkedIn là điều không thể chấp nhận được. Là một nền tảng chuyên nghiệp, LinkedIn luôn mong người dùng có những trải nghiệm chuyên nghiệp, đúng thực tế.
Công ty này cho biết từ năm 2020, họ đã đưa ra loạt công cụ mới, đồng thời củng cố chính sách người dùng để ngăn chặn những hành vi quấy rối, tán tỉnh trên LinkedIn. Nền tảng cũng gửi các dòng thông báo đến người dùng, nhắc nhở mọi người bình luận, nhắn tin đúng mực.
Dù đã áp dụng chính sách mới từ năm 2020, đến nay nhiều người dùng LinkedIn vẫn bị quấy rối và không thể báo cáo để công ty xử lý. Khi bị người dùng phản ánh, nền tảng này chỉ đưa ra lời xin lỗi chung chung và hứa hẹn sẽ cải thiện, nhưng mọi việc vẫn tiếp diễn, không có gì thay đổi.
Cuối năm 2020, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung kể từ tháng 1/2021, hành vi quấy rối tình dục (mang tính thể chất hoặc lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử) được bổ sung là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Người vi phạm sẽ bị sa thải.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Những người bị quấy rối chưa biết liên hệ với bộ phận, cơ quan nào để giải quyết.
Chị Ngọc Thảo hy vọng trong tương lai, Việt Nam sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn để hạn chế, ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục trên mọi nền tảng. Theo đó những người HR như chị nói riêng và người lao động nói chung sẽ yên tâm hơn khi sử dụng mạng xã hội để làm việc.
">