Đi làm về trễ, chỉ kịp chiên cơm với trứng, chị Uyên (Tân Bình, TP.HCM) lập tức mở ứng dụng trên điện thoại ra đặt thêm 3 phần canh của tiệm ăn gần nhà. Mặc dù trời mưa nhẹ, ứng dụng mất một chút thời gian mới có tài xế nhận đơn nhưng sau khi chiên cơm xong, hai vợ chồng và đứa con nhỏ nhà chị cũng kịp nhận được canh từ người giao hàng.“Đang có khuyến mại free ship (miễn phí giao hàng), chị Uyên nói với chồng vì anh có vẻ tiếc tiền. Trên công ty, hầu như ngày nào tầm cuối giờ chiều chị Uyên và các đồng nghiệp cùng phòng đều đặt các món ăn nhẹ hoặc trà sữa để ăn vặt, có sức làm việc tới quá giờ tan tầm.
|
Tài xế công nghệ đang xếp hàng chờ mua trà sữa cho khách trong một dịp khuyến mại - Ảnh: Hữu Đức |
Chị Uyên làm việc 5 ngày mỗi tuần, 10 buổi đi về thì gần nửa trong số đó đi xe qua các ứng dụng gọi xe. Gia đình chị về quê cách đó 50km cũng sẽ “book” xe 4 chỗ qua ứng dụng.
“Ngày nào đi họp ở mấy chỗ khó tìm thì chị sẽ book xe máy cho tiện. Có những lúc kẹt xe, thấy mấy em tài xế len lỏi thấy thương, chị toàn phải “bo” thêm”, chị Đông - phóng viên chuyên viết về công nghệ - nói.
Khi nhu cầu gọi đồ ăn lên cao, rất dễ bắt gặp hình ảnh các tài xế của nhiều ứng dụng xếp hàng ở các quán trà sữa, quán cà phê, quán ăn tại các thành phố lớn, nhất là TP.HCM.
Chứng kiến cảnh tài xế xếp hàng này, một người từng nêu ý kiến, rằng chẳng mấy chốc người Việt sẽ không biết đi xe máy, lười di chuyển, không biết nấu ăn. Tuy vậy xu hướng này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà khắp Đông Nam Á, gồm Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia,... Và việc không biết đi xe máy là tốt hay xấu? Rõ ràng một trong những mục tiêu ban đầu của các ứng dụng gọi xe là nhằm hạn chế xe cá nhân, góp phần giảm kẹt xe.
Từ gọi xe đến gọi thức ăn, rồi “ghiền” lúc nào không hay
Là một người đàn ông trưởng thành, tôi quen với việc tự chạy xe máy chở người yêu, rồi chở vợ, đến giờ chở cả gia đình trên chiếc xe hai bánh. Hoạ hoằn lắm tôi mới ra đầu ngõ gọi chú xe ôm quen để đi đâu đó. Bình thường, nếu phải gọi xe ôm ở mấy chỗ xa lạ thì tôi thường bị “chém” vì không biết mặc cả giá, hoặc rất khó mặc cả với những chú xe ôm lớn tuổi.
|
Một khách hàng chờ tài xế công nghệ trả lại tiền sau chuyến đi - Ảnh: H.Đ |
Chỉ đến một ngày khi vào tình thế buộc phải thử gọi xe máy qua ứng dụng, tôi mới thấy mọi thứ thật dễ dàng, và rẻ (ở thời điểm đó). Chỉ cần bấm vài nút trên điện thoại, sau đó chờ xe đến rước, tôi chẳng cần phải mặc cả giá, cũng không lo bị chở đi lòng vòng, và giá đi xe máy thì vẫn thấy rẻ. Nếu có một từ để diễn tả ưu điểm của các ứng dụng gọi xe thì từ đó có thể là “tiện dụng”.
Ngày nay, ở Sài Gòn, có lẽ hiếm ai chưa từng di chuyển một lần trên những chiếc xe công nghệ, đặc biệt là nữ giới. Đi uống cà phê, họp hành, đi làm, đi học… đều có thể gọi xe, dễ nhất và rẻ nhất là book xe máy. Không cần phải loay hoay kiếm chỗ giữ xe, không cần nghĩ đến chuyện dắt xe ra vào công ty hay trường học, nhất là việc phải chạy xe dưới cái nắng Sài Gòn, chính là những ưu điểm mà các ứng dụng gọi xe mang lại.
Trên đường phố Sài Gòn và Hà Nội, tài xế công nghệ mặc đồng phục chạy đầy đường, lúc nào cũng đang chở khách. Gần đây, một ứng dụng gọi xe còn ra tính năng cho phép người dùng đến bắt xe trực tiếp một tài xế công nghệ gặp trên đường mà không cần book trước. Với tính năng này, các tài xế xe ôm truyền thống càng mất khách.
Nói tới đây, tôi mới nhớ chú tài xế xe ôm hay đứng dưới cổng chung cư nhà tôi nay không còn đứng chờ xe ở góc đường quen thuộc nữa.
">