Hơn nữa, dữ liệu các lĩnh vực như tài chính, nhân sự, đào tạo, sinh viên, tuyển sinh …đã được số hóa, từng bước được liên thông, đồng bộ với nhau. Các quy trình tuyển sinh, xét tuyển nhập học đã được số hóa giúp cho hàng trăm nghìn thí sinh thuận tiện trong đăng ký tuyển sinh và xét tuyển nhanh chóng, tiết kiệm chi phí đi lại.
Hệ thống phần mềm và quy trình khảo thí cho phép sinh viên thi trắc nghiệm cuối kỳ tại trung tâm khảo thí (Test Center) giúp nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo tính khách quan, công bằng và hạn chế tối đa các vấn đề tiêu cực trong thi cử.
Hệ thống Elearning được xây dựng liên thông, đồng bộ giúp cho Nhà trường đơn giản hóa quy trình đào tạo và quản lý điểm. Ngoài ra, chuyển đổi số trong công tác khảo sát sinh viên cũng được thực hiện trong nhiều năm qua, giúp cho nhà trường nắm bắt kịp thời chất lượng giảng dạy, phản hồi từ sinh viên về công tác đào tạo và từ đó, nâng cao chất lượng dạy học.
Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm hoạt động, thư viện số của trường đã tích tụ được kho tài nguyên với gần 7.000 đầu tài liệu. Trung bình mỗi ngày có hơn 10.000 hoạt động truy cập, khai thác tài liệu trên cổng thông tin của Thư viện nhà trường...
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2025, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và công tác quản lý đào tạo, tháng 1/2020 ĐH Quy Nhơn đã ban hành Kế hoạch về ứng dụng CNTT và Chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025. Kế hoạch được xây dựng và triển khai nhằm đáp ứng các hoạt động trong Trường, bao gồm công tác quản lý, thủ tục hành chính, đổi mới nội dung, phương pháp dạy-học, kiểm tra đánh giá và nghiên cứu khoa học, cung cấp dịch vụ cho sinh viên, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong giai đoạn mới.
Đón đầu xu hướng chuyển đổi số
PGS.TS. Hồ Xuân Quang – Trưởng phòng Đào tạo sau đại học (ĐH Quy Nhơn) cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 trên phạm vi toàn cầu với công nghệ lõi là Khoa học dữ liệu (Data Science), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) tác động sâu sắc đến nhận thức và hành động của con người. Thực tiễn cho thấy, Khoa học dữ liệu ngày càng trở nên quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với khoa học và sự vận hành của các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là quá trình chuyển đổi số của quốc gia hiện nay.
Sớm nhận diện sự cấp thiết về nhu cầu nguồn nhân lực khoa học dữ liệu, nhất là đà tăng trưởng ấn tượng của hệ sinh thái khoa học công nghệ trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, đặc biệt là Thung lũng Khoa học Quy Hòa, Quy Nhơn; đồng thời, với thế mạnh đào tạo về lĩnh vực toán học, thống kê, công nghệ thông tin, tự động hóa, tối ưu điều khiển…, Trường Đại học Quy Nhơn có nhiều thuận lợi để đào tạo ngành Khoa học dữ liệu theo định hướng ứng dụng.
Chính vì vậy, từ năm 2019, trường đã mở chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu ứng dụng; tháng 5/2022, chính thức mở ngành đào tạo Khoa học dữ liệu trình độ đại học. Đến nay, trường đã tuyển sinh và đào tạo được 3 khóa đào tạo trình độ thạc sĩ với quy mô trên 40 học viên.
“Có thể nói, Trường Đại học Quy Nhơn là một trong những trường đại học tiên phong trên cả nước đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ ngành Khoa học dữ liệu. Từ năm 2020, ngành Khoa học dữ liệu trình độ thạc sĩ nhận được nguồn tài trợ kinh phí của Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) một cách toàn diện, trọng điểm cả về hoạt động tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ người học đến cơ sở chất, trang thiết bị dạy học, một lần nữa cho thấy nhu cầu cấp thiết của Khoa học dữ liệu và chủ trương đúng đắn trong việc đón đầu, dự báo xu hướng chuyển đổi số của Trường đối với lĩnh vực đào tạo mới này”, PGS.TS. Hồ Xuân Quang cho hay.
Song song với Khoa học dữ liệu, Trường Đại học Quy Nhơn còn chú trọng đầu tư đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, kỹ thuật điện - điện tử, viễn thông, tài chính - ngân hàng, kinh doanh số…”
Ngoài ĐH Quy Nhơn, từ năm 2022, Trường ĐH FPT phân hiệu Quy Nhơn đã chính thức đi vào hoạt động với định hướng đào tạo chuyên sâu về AI.
Theo Tập đoàn này, nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghệ phần mềm, trí tuệ nhân tạo (AI).
Trường ĐH FPT - Phân hiệu AI Quy Nhơn được đầu tư với số vốn 693,93 tỷ đồng, đào tạo trình độ đại học, sau đại học, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu học tập và rèn luyện của khoảng 5.200 sinh viên cho các ngành Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh và các ngành học khác.
Đây là cơ sở thứ 5 của ĐH FPT trên cả nước, sau 4 thành phố (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ).
Ông Vũ Hồng Chiên, Trưởng bộ môn AI Trường ĐH FPT phân hiệu Quy Nhơn, cho hay: “Trường đang đào tạo chuyên ngành về AI. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao để hỗ trợ tỉnh hiện thực hóa dự án Trung tâm Trí tuệ nhân tạo -Đô thị phụ trợ tại Bình Định trong tương lai gần”.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho biết: "FPT có một khát vọng lớn, đầu tư và xây dựng đưa Bình Định trở thành trung tâm AI hàng đầu khu vực, một trung tâm khoa học thử nghiệm, phát triển các công nghệ mới nhất của thế giới.
Diệu Thuỳ
Gồm ba buổi biểu diễn liên tiếp, “Trẩy hội trăng rằm” không phải là một sự kiện đơn lẻ mà là một chuỗi sự kiện tổng hợp. Các hoạt động trên sân khấu có đủ các thể loại từ tấu hài, diễn kịch, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang đến ca múa nhạc. Các hoạt động ngoài sân khấu đa dạng từ trải nghiệm các trò chơi dân gian, thực hành làm mâm cỗ Trung thu tới trưng bày các vật phẩm Trung thu...
Hàng chục tấn thiết bị được huy động, gần 500 con người phục vụ ở các khâu sản xuất, hậu cần, lễ tân, hỗ trợ hoạt động trải nghiệm của trẻ em...
Ai cũng nghĩ người “cầm chịch” chuỗi sự kiện tổng hợp, phức tạp, mang tính chuyên môn cao này là một tổng đạo diễn dày dạn kinh nghiệm, và bất ngờ khi biết đây lại là một thanh niên mới 17 tuổi đang theo học tại trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).
Nói về thành công và những cảm xúc viên mãn sau “Trẩy hội trăng rằm”, Nguyễn Như Khôi (học sinh lớp 12, Chu Văn An, Hà Nội) - Tổng đạo diễn chuỗi sự kiện khiêm tốn: “Em không mất sức để “vẽ vời” điều gì cả. Em chỉ làm một việc rất đơn giản là mang về đây một lễ hội Trung thu thực thụ, giúp khán giả trải nghiệm một lễ hội cổ truyền đẹp vốn là niềm háo hức mong chờ của rất nhiều trẻ em Việt Nam”.
“Em đã từng lớn lên bằng niềm vui lấp lánh trong ánh mắt khi được phát những chiếc đèn ông sao sáng rực rỡ. Em đã từng được mẹ dắt tay tới những đêm văn nghệ xóm, phường, say sưa nghe những bài vè, những làn điệu dân ca vui tươi. Em cũng từng được “chia” những miếng bánh nướng, dẻo ngọt thơm, những múi bưởi mát lành, những miếng hồng ngọt lịm trong đêm trăng phá cỗ. Và em rất hạnh phúc. Em làm “Trẩy hội trăng rằm” chỉ đơn giản là mang đến những khoảnh khắc đáng nhớ, giúp khán giả ghi dấu kỷ niệm đẹp trong hành trang cuộc sống. Em tin từ những ký ức hạnh phúc đã có, họ sẽ nối tiếp sẻ chia, lan tỏa tinh thần sống tích cực…”, Nguyễn Như Khôi chia sẻ.
Trước khi được biết đến là tổng đạo diễn của lễ hội Trung thu “Trẩy hội trăng rằm” Nguyễn Như Khôi được biết đến là một thiếu niên đa tài, có nhiều bộ sưu tập áo dài ấn tượng. Khôi từng là Chủ tịch Hội đồng trẻ em TP. Hà Nội, cựu học sinh trường Đội Lê Duẩn, từng tham gia các hoạt động của Thành Đoàn và Trung ương Đoàn, tham gia biểu diễn nhiều sự kiện lớn trong nước, quốc tế với vai trò ca sĩ, diễn viên lẫn MC.
Chia sẻ về hành trình cống hiến, sáng tạo, Nguyễn Như Khôi nói: “Được trưởng thành trong môi trường Đội, Đoàn thực sự là một thế mạnh. Đội, Đoàn rèn cho em ý chí phấn đấu trong công việc, học tập, dạy cách nuôi dưỡng nhiệt huyết, đam mê và khao khát cống hiến, kiến tạo lý tưởng sống tích cực, đặc biệt là giúp trang bị các kỹ năng hoạt động cộng đồng, tổ chức phong trào. Nhờ đó, khi đối diện với những khó khăn của người tổ chức sự kiện em đều vượt qua được”.
“Trẩy hội trăng rằm” khép lại trong niềm vui, sự hân hoan của các gia đình tham dự. Tổng đạo diễn trẻ tuổi Nguyễn Như Khôi cũng đã trở về với guồng học tập căng thẳng của một học sinh cuối cấp. Nhưng những dư âm, cảm xúc đẹp về một lễ hội truyền thống vẫn còn tràn ngập. “Em mong ‘Trẩy hội trăng rằm’ sẽ được tổ chức thường niên. Cuộc sống này vốn rất bộn bề. Nếu có những lễ hội đậm đà bản sắc như “Trẩy hội trăng rằm” cho những người trẻ, em tin nhiều nét cổ, lệ đẹp của dân tộc sẽ được bảo tồn, duy trì”, Khôi nói.
Doãn Phong
" alt=""/>Học sinh trường Chu Văn An làm đạo diễn lễ hội Trung thu ở Hà Nội