Hội thảo chuyên đề Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm do Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức nhằm chia sẻ về bảo tồn,ìmcáchbảovệdisảnsốgia vang hom nay phát triển văn hóa phi vật thể bền vững và vai trò của cộng đồng - người nắm giữ và thực hành di sản.
Bảo tồn di sản văn hóa là điều xa vời?
"Di sản văn hóa phi vật thể hay 'di sản sống' có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống. Di sản văn hóa sống tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục; thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người; giúp cộng đồng, cá nhân kết nối với nhau ở cấp độ địa phương và với thế giới rộng lớn hơn”, PGS.TS. Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa khẳng định tại hội thảo.
Ông Dona McGowan - Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể như sản phẩm thủ công truyền thống, các nghi lễ, hình thức biểu diễn nghệ thuật và tri thức bản địa ăn sâu vào văn hóa dân tộc. Cùng với việc ngày càng có nhiều giá trị văn hóa được công nhận cả trong nước và quốc tế, lĩnh vực di sản văn hóa đang có chuyển biến tích cực, có lợi cho những người thực hành và thành viên cộng đồng, những người đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững.
Theo nghiên cứu của Hội đồng Anh, người dân ở nhiều địa phương Việt Nam vẫn có suy nghĩ việc bảo tồn di sản văn hóa là điều “xa vời”, chủ yếu là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hoặc tổ chức phi chính phủ. Vì vậy, bà Donna McGowan khẳng định hội thảo là cơ hội để nhìn nhận, tìm ra những chiến lược phù hợp, chỉ ra những thách thức và cơ hội trong việc dùng di sản phi vật thể nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, vinh danh sự đóng góp của cộng đồng, khẳng định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của họ trong quá trình chuyển biến này.
Ông Iain Frew - Đại sứ Anh tại Việt Nam đánh giá cao những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại Việt Nam. Ông cho rằng, Việt Nam ngày càng nhiều di sản văn hóa được công nhận trong nước và quốc tế. Việt Nam cũng đang tìm cách tận dụng tối đa những giá trị này, đảm bảo rằng di sản văn hóa sẽ trở thành trung tâm của phát triển bền vững.
Chung tay bảo vệ 'di sản sống'
Các chuyên gia cho rằng bảo vệ "di sản văn hóa sống" - người nắm giữ di sản là quan trọng để xây dựng, phát triển đời sống văn hóa bền vững. Khi cộng đồng được tăng cường hiểu biết, đưa ra ý tưởng xây dựng và thực hiện các hoạt động để bảo tồn, phát huy giá trị di sản sẽ mang đến tương lai tốt đẹp cho di sản văn hóa. Quan trọng hơn, việc tham gia trực tiếp của cộng đồng cũng tạo ra những cơ hội mới, giúp chính họ được hưởng lợi, cải thiện sinh kế.
Theo TS. Phạm Cao Quý (Cục Di sản văn hóa), di sản văn hóa phi vật thể tồn tại không tách rời con người. Nó luôn nằm trong con người và chỉ được nhận diện thông qua hoạt động trình diễn, biểu diễn, tạo tác của con người. Nó do các thế hệ kế thừa, lưu giữ, thực hành, sáng tạo và truyền lại cho nhau. Điều này đồng nghĩa di sản tồn tại khi cộng đồng ý thức về bản sắc và sự kế tục, kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai.
“Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể là bảo vệ con người, tạo ra các điều kiện để con người (nghệ nhân, người thực hành, cộng đồng) có điều kiện tốt, phù hợp nhất để thực hành di sản đang nắm giữ. Đồng thời, các chính sách gắn với di sản được xây dựng và thực hiện đều phải dựa trên việc lấy con người làm trung tâm”, TS. Phạm Cao Quý nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang (Cục Di sản Văn hóa), với tư cách là nguồn tài nguyên nhân văn có chất lượng trí tuệ cao, di sản văn hóa có khả năng phục vụ yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, tiêu biểu nhất là phát triển du lịch văn hoá hay du lịch di sản. Trên cơ sở kho tàng di sản văn hóa dân tộc, ngành du lịch sáng tạo ra các loại hình dịch vụ văn hoá biến di sản thành loại hàng hoá đặc biệt. Du lịch di sản cũng tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân cư trú xung quanh di sản văn hóa và các điểm đến du lịch.
“Những năm gần đây, ở Việt Nam đã xuất hiện thuật ngữ khoa học 'kinh tế học di sản' như một xu thế mới trong nền kinh tế thị trường, tạo ra sự trao đổi học thuật sôi nổi theo cả hai chiều thuận và nghịch. Đây có lẽ là một trong những nỗ lực đưa di sản gắn liền với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.
Hầu như ở các quốc gia trên thế giới, ngoài các dự án phát triển, người ta bắt đầu quan tâm tới việc đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản văn hóa dưới góc nhìn di sản đô thị và kinh tế học di sản.
“Di sản văn hóa chỉ được bảo tồn khi nó được sử dụng và phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam. Di sản văn hóa phải được bảo tồn như một cơ thể sống động trong đời sống của cộng đồng và tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng. Ngoài ra, phải được bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối. Những mục tiêu lớn đặt ra chỉ có thể đạt được trên cơ sở một hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách do nhà nước kiến tạo nên và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt thành của cả cộng đồng xã hội...”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định.
"Chúng tôi cho rằng, nên tạo điều kiện cho người dân duy trì các hoạt động của họ ngay cả khi dự án đã kết thúc, nghĩa là gia tăng kinh phí để hỗ trợ trong quãng thời gian dài hơn so với các dự án đã tài trợ trong các năm qua,” bà Nikki Locke - Trưởng Ban Dự án Di sản văn hóa cho sự phát triển đồng đều của Hội đồng Anh toàn cầu chia sẻ.
Cụ thể, đại diện Hội đồng Anh toàn cầu đề xuất giải pháp thiết lập các bảo tàng mini tại cộng đồng - nơi trưng bày trang phục truyền thống, công cụ lao động, vật thể dùng cho nghi lễ, các nhạc cụ, sản phẩm gia đình tự làm.
Bà Nikki Locke cho biết tại Anh, nhà nước thành lập Quỹ Di sản Văn hóa quốc gia. “Nguồn quỹ này rất lớn, có thể coi là lớn nhất. Ở Vương quốc Anh chúng tôi có những hoạt động hỗ trợ cụ thể trong mỗi khu vực với những đặc thù riêng liên quan đến văn hóa, di sản, văn hóa phi vật thể. Phải làm thế nào để có cách tiếp cận tổng thể, toàn diện để chúng ta có thể đạt được hiệu quả cao nhất”, bà Nikki Locke chia sẻ.
Theo bà, nguồn quỹ này đến từ nhà nước và thực hiện nhiều dự án khác nhau. Đây là cơ hội lớn cho cộng đồng tiếp cận và có được nguồn vốn cần thiết để bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản văn hóa mà cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản đó mong muốn.
Muốn bảo vệ di sản sống, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định, phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm, bởi bảo vệ di sản sống, bảo vệ con người nắm giữ di sản là điều quan trọng nhất để xây dựng xã hội toàn diện, khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai.
Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt NamTừ ngày 22-26/11, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn 'Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam'.