Trung tâm điều hành thông minh Thái Nguyên
Việc xây dựng thành phố thông minh của Thái Nguyên tập trung hướng vào người dân, xem họ là trung tâm, tất cả các chủ trương, chính sách của tỉnh đều hướng tới người dân và sự hài lòng của họ.
Cụ thể tỉnh đã đưa tất cả các dịch vụ hành chính công lên cổng thông tin, đồng thời có cả những chủ trương, chính sách để tuyên truyền cho người dân sử dụng các dịch vụ này. Đáng chú ý, tỉnh có chính sách giảm chi phí khi người dân tham gia những dịch vụ số, chẳng hạn như khi làm một dịch vụ hành chính, nếu người dân đến tận nơi làm sẽ mất 20 nghìn, còn nếu như sử dụng những dịch vụ hành chính công trên các thiết bị smartphone hoặc thiết bị điện tử thông minh sẽ giảm được 30-50%.
Tại Thái Nguyên, với sự hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng Trung tâm điều hành thông minh (IOC) từ tháng 7/2020 và đến thời điểm hiện tại đã hoàn thành 11/12 hạng mục, trong đó có những hạng mục quan trọng như phòng điều hành thông minh; ứng dụng C-Thái Nguyên, hệ thống camera giám sát…. Trong đó Trung tâm điều hành thông minh (IOC) được xem là “đầu não số” của tỉnh.
Trung tâm là nơi tích hợp, kết nối các dữ liệu, thông tin từ các hệ thống thông minh quản lý, các cơ sở dữ liệu các nền tảng trên địa bàn tỉnh và một số nền tảng Trung ương để tổng hợp dữ liệu, phân tích đánh giá các chỉ số nhằm cung cấp bức tranh tổng thể phục vụ cho công tác giám sát điều hành của lãnh đạo cũng như hỗ trợ những hoạt động của tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh Uỷ Thái Nguyên, việc hình thành trung tâm, đánh giá chung với người dân là rất hiệu quả.
Thứ nhất, có thể kết nối với chính quyền nhanh chóng. Thứ hai, có thể trích xuất những thông tin mà người dân cần biết. Thứ ba, có sự phản ánh kịp thời của người dân đến những cơ quan xử lý và có thể xem ngay trên phần mềm IOC. Trên cương vị quản lý, khi người dân phản ánh thì những cơ quan quản lý phải có trách nhiệm trả lời trong một thời hạn nhất định. Từ câu hỏi của người dân, câu trả lời của cán bộ, chính quyền tỉnh qua đó có thể đánh giá được cán bộ, đánh giá được nội dung còn tồn đọng trong công tác quản lý điều hành.
Đối với người dân, ứng dụng công dân số giúp rút ngắn khoảng cách giữa công dân và chính quyền, tiếng nói của người dân được lắng nghe. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh đưa ra những chính sách mới, nâng cao tính minh bạch của bộ máy nhà nước và nâng cao sự hài lòng của người dân.
Đối với phát triển kinh tế xã hội, IOC giúp cán bộ tỉnh quản lý chỉ đạo công tác quản lý, điều hành kinh tế một cách hiệu quả, ra quyết định dựa trên việc phân tích số liệu, thống kê, tổng hợp. Từ đó, lãnh đạo tỉnh có một bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Theo bà Nguyễn Thanh Hải, sự hình thành của trung tâm IOC rất đúng thời điểm, giúp cho Thái Nguyên vững vàng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, đến nay Thái Nguyên vẫn là một an toàn khu trước Đại dịch, với tổng số người nhiễm Covid-19 chỉ có 38 người. Trung tâm IOC đã phát huy hiệu quả trong đợt dịch thứ tư, giúp tỉnh quản lý người trong khu cách ly và quản lý xe ra vào tỉnh và tiếp nhận những phản ánh của người dân.
Trung tâm điều hành IOC cũng được kết nối với ứng dụng C-ThaiNguyen, do tỉnh triển khai trong 6 tháng qua, hiện ứng dụng đã có trên 115.000 lượt tải và hơn 40.000 tài khoản thường xuyên sử dụng. Với dân số là 1,3 triệu người có thể nói đây là một kết quả rất đáng ngưỡng mộ.
Trên ứng dụng C-ThaiNguyen có rất nhiều tính năng, ngoài việc truy quyền cung cấp thông tin cho người dân, còn là kênh kết nối tương tác, giao tiếp giữa người dân và chính quyền thông qua tính năng phản ánh hiện trường và tính năng phản ánh thông tin khác. Qua đó từng bước thực hiện hóa mong muốn người dân tham gia vào công tác quản lý của chính quyền. Đây là một trong những chỉ số trong việc phát triển chính quyền số.
Ngoài ra, Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh cũng đã kết nối được với 700 camera trên địa bàn, trong đó có hơn 400 camera của công lập còn lại là kết nối camera cá nhân dưới sự đồng ý của người dân. Mục tiêu của tỉnh là tất cả camera của người dân sẽ được kết nối lên IOC, để cả Nhà nước và nhân dân cùng tham gia vào quá trình xây dựng chính quyền số. Điều này sẽ giúp cho Thái Nguyên có thể ổn định, an toàn về chính trị và phát triển mạnh về kinh tế, xây dựng một Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển trong thời gian tới.
Lê Mỹ
Nâng cao nhận thức chuyển đổi số để giúp Thái Nguyên phát triển mạnh nhờ công nghệ
Chương trình bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trên địa bàn Thái Nguyên giúp chuyển đổi nhận thức của các cán bộ, người dân, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số địa phương. Từ đó, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
" alt=""/>“Đầu não số” triển khai thành phố thông minh Thái Nguyên