|
Ngôi nhà nhỏ rách nát của vợ chồng chị Hằng. |
Theo chị Hằng chia sẻ, trước đây chị là người làng Văn Giáp. Nhà nghèo, không có điều kiện để đến trường như các bạn đồng trang lứa. Bởi vậy, tuổi thơ của chị là chuỗi ngày lang thang theo chân mẹ khắp các chợ lớn nhỏ trong vùng để buôn bán. Cứ tưởng cuộc đời chị sẽ âm thầm như vậy mãi, ai ngờ nó trở nên sóng gió hơn khi mẹ chị lâm bệnh và qua đời. Không thể sống mãi với cảnh gà trống nuôi con, bố chị đã đi bước nữa. Cuộc sống dì ghẻ con chồng, càng khiến chị vất vả và lam lũ với cuộc sống nhiều hơn. Mải mê công việc, quay đi quay lại chị đã bước vào cái tuổi mà người làng gọi là “ế”.
“Năm 1998 cuộc đời tôi rẽ sang một hướng khác, trong một lần đi gặt lúa thuê cho gia đình bà Bùi Thị Nuôi ở thôn Văn Hội, tôi được bà Lê là chị dâu của nhà tôi bây giờ, ngỏ lời làm mai với anh Đăng nhưng tôi từ chối. Một lần tình cờ đi gặt lúa về, khi đi ngang qua nhà anh Đăng tôi thấy anh đang ngồi ở một góc nhà, miệng lẩm bẩm nhưng đôi mắt đăm chiêu nhìn vào cõi hư không, đôi mắt như chất chứa bao điều muốn nói. Ánh mắt ấy cứ ám ảnh, cứ thôi thúc tôi phải gặp phải tìm hiểu về con người này bằng được. Tìm hiểu kỹ hơn, tôi được biết anh bị tâm thần phân liệt, thỉnh thoảng điên loạn và không nhớ gì, đó là do di chứng của những năm tháng anh tham gia chiến trường ở Campuchia, bởi vậy tôi càng thương anh hơn, và đã quyết tâm đến với anh cho bằng được bất chấp sự ngăn cản của gia đình”, chị Hằng bồi hồi kể lại.
|
Anh Đăng và chị Hằng đang âu yếu đứa con gái nhỏ. |
Tình yêu cứ nhen nhóm rồi bùng cháy trong con người chị. Chị muốn là người phụ nữ luôn ở bên cạnh anh, chăm sóc cho anh. Vẫn biết sướng khổ gì cũng chỉ có một mình chị gánh chịu, nhưng chị không thể bỏ mặc anh. Bởi anh cần chị, và cũng chỉ có anh mới có thể làm cho con tim chị thổn thức hàng đêm như thế. Bỏ qua sự ngăn cản của anh trai với tuyên bố: Mày lấy nó, khổ kệ mày. Và đừng có nhìn mặt tao nữa. Thậm chí bố chị còn cay nghiệt hơn: Thà mày xin ai đó một đứa con để nuôi, còn hơn lấy thằng điên; nhưng chị vẫn không nghe. Thậm chí người trong làng ác miệng còn nói chị “hâm” mới đi lấy thằng chồng điên như vậy. Nhưng chị bỏ ngoài tai tất cả, ngày gia đình anh Đăng mang trầu cau tới xin chị về làm dâu, cũng là ngày gia đình từ mặt chị.
Với tôi đó là định mệnh
Thời gian đầu cuộc sống vợ chồng cho họ nhiều niềm vui, hạnh phúc, vì vậy chị Hằng và anh Đăng cảm thấy vui vẻ hơn. Tuy nhiên, cuộc sống vốn dĩ không chỉ có tình yêu, mà còn nhiều điều phải lo nghĩ, đặc biệt là khi con gái lớn của anh chị cháu Nguyễn Hiểu Ly ra đời. Gánh nặng cơm áo gạo tiền lại đè nặng lên đôi vai người phụ nữ yếu đuối. “Cưới nhau được hơn một năm, bệnh tình anh tái phát nặng hơn, nhất là trong thời gian tôi sinh cháu Hiểu Ly nên không có nhiều thời gian để ý đến anh. Anh bắt đầu đi lang thang, có lần tự nhiên biến mất khỏi nhà khoảng 3 tháng, tôi cùng những anh em họ hàng chia nhau đi tìm mà không thấy. Cứ ngỡ anh đi lạc không nhớ đường về, lại chết đường chết chợ thì tội nghiệp quá. Bất ngờ 3 tháng sau anh trở về, lúc tỉnh anh kể đã đi lạc vào tận Thanh Hóa, may mà có người thương cho anh cơm ăn, cho tiền về nhà”, chị Hằng nhớ lại.
|
Chị Hằng cùng hai đứa con nhỏ bên người chồng điên của mình. |
Năm 2010, đứa con thứ hai của anh chị chào đời, vẫn biết đó là kết tinh tình yêu của chị cùng người chồng điên. Nhưng nó cũng là gánh nặng, là áp lực đối với chị trong cuộc sống. Một mình phải gánh vác hết thảy mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình, dựa vào mỗi sào ruộng cấy là không đủ, chị lăn lộn làm đủ mọi việc từ đổ rác thuê, dọn dẹp vệ sinh, làm thuê cuốc mướn khắp làng chỉ để chăm chồng, nuôi con. Lau vội giọt nước mắt chị nghẹn ngào: “Lấy anh ấy hơn chục năm nay, chưa một lần được anh ấy chiều chuộng hay vỗ về, thậm chí là nói với tôi một câu tình cảm cũng không có. Nhưng trong thâm tâm tôi chưa một lần oán trách anh, hay ân hận về quyết định của tôi năm đó. Tôi nghĩ cuộc đời cho tôi và anh đến với nhau nó như một định mệnh vậy, mặc dù anh là một người không bình thường với mọi người, nhưng với tôi anh vẫn như ngày đầu tiên, cái ngày mà tôi nhìn vào đôi mắt của anh”.
Nhìn hình ảnh người đàn ông nửa khù khờ, nửa điên dại đi lại quanh nhà, rồi thỉnh thoảng lại thể hiện tình cảm với người con gái út khi đưa bàn tay sần sùi, cáu bẩn vuốt vuốt mái tóc của con gái, chị Hằng đau xót: “Anh ấy giờ đã yếu nên cũng ít đi hơn, nhưng bệnh tình thì ngày một nặng, những lúc này là lúc anh ấy tỉnh táo nhất đấy”. Giọng chị Hằng trùng xuống, khiến cho không khí trong gia đình thêm vẻ sầu não. Có lẽ nếu không được gặp chị, được tiếp xúc với chị, thì tôi không thể cảm nhận được hết sự vất vả, cũng như nghị lực phi thường trong con người nhỏ bé này. Có lẽ tình yêu chị dành cho anh, cho các con phải lớn lắm nên mới giúp chị vượt qua những ngày tháng vất vả, và phía trước vẫn còn một chặng đường rất dài.
(Theo Ngày nay)">