Sức khoẻ anh Hải hiện đang rất yếu, liên tục phải chạy thân duy trì sự sống. Chị Thuỷ kể, sau khi quen biết được 4 năm, anh chị về chung một nhà. Hàng ngày anh đi lái xe thuê, chị buôn củi khô ven đường quốc lộ. Thời điểm bụng bầu vượt mặt, chị vẫn chuyển từng bó củi lớn chất lên xe hàng.
“Tháng 7/1994, tôi sinh cháu Nguyễn Văn Thành. Con được 8 tháng thì gửi nhà trẻ, tôi tranh thủ bán xôi buổi sáng. Sau đó, tôi may mắn được nhận vào làm tại một trường mầm non ở xã" , chị Thuỷ nhớ lại.
Với công việc phụ bếp tại trường, sau 1 năm, chị được cho đi học lớp sơ cấp mầm non. Kết thúc khoá học, chị trở về trường giảng dạy. Những tưởng tương lai phía trước sẽ rộng mở hơn với đôi vợ chồng trẻ, chẳng ngờ bất hạnh lại ập đến, đẩy họ vào cảnh khốn cùng.
Đi khắp Bắc – Nam tìm sự sống cho chồng
Cuối những năm 90, chân anh Hải xuất hiện triệu chứng đau nhức, đến mức không thể lái xe. Dù đã đi khám nhiều nơi nhưng anh vẫn không tìm ra bệnh. Sử dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài khiến anh bị suy thận.
Không còn cách nào khác, chị Thuỷ gửi con cho em gái chăm nom, còn mình đưa chồng vào Sài Gòn chữa bệnh, một tháng sau thì ra Hà Nội. "Tại đây, bác sĩ kết luận anh đã bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy máy suốt đời. Nghe bác sĩ nói vậy tôi cứ khóc nấc lên, nhưng rồi lại cố giữ tinh thần, nghĩ còn nước còn tát" , chị kể.
Chị Thuỷ mong có phép màu đến với chồng. Chị xin nghỉ việc, đưa con ra Hà Nội, thuê phòng trọ gần Bệnh viện Thanh Nhàn, tiện túc trực chăm chồng. 15 năm sống giữa thủ đô, 7 lần chuyển trọ, vậy nhưng căn phòng lớn nhất mà họ từng ở chỉ vỏn vẹn chưa tới 15m2. Ngần ấy năm chẳng có lấy chiếc giường, cả gia đình trải manh chiếu cói trên nền đá lát để tiết kiệm diện tích.
Để có thêm chút tiền lo cho chồng, chị Thuỷ làm đủ nghề, từ may vá, ngày ngày đạp xe gần 10km tới tiệm, đến phụ rửa bát ở nhà ăn bệnh viện. Công việc chị gắn bó lâu nhất là bán hương, hoa quả tại nhà tang lễ gần bệnh viện. Mỗi ngày, chị thức dậy từ 3, 4 giờ sáng nhập hoa quả rồi trở lại phòng trọ chuẩn bị bữa sáng cho chồng con. Xong xuôi, chị lại ngồi xoa bóp chân tay để anh đỡ đau nhức rồi mới đi bán hàng.
Rõng rã 25 năm, chị Thuỷ đưa chồng đi từ Bắc chí Nam tìm sự sống. Do chi phí sinh hoạt ở thủ đô đắt đỏ, thu nhập chẳng đủ để cầm cự nên năm 2015, gia đình chị Thuỷ lại quay về quê, thuê trọ gần Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An.
Dù rất kiên trì, nỗ lực song hy vọng chữa khỏi bệnh cho chồng ngày một mong manh. “Bác sĩ từng thông báo tình trạng anh rất nặng, suy tim, phải mổ cầu tay chạy thận, gia đình phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Một lần trong phòng trọ, anh ngất xỉu phải cấp cứu. Chủ trọ sợ có chuyện chẳng lành nên mời gia đình rời đi. Thực sự lúc đó rất bất lực, không biết phải làm sao. Cũng may nhờ người quen mà có chốn dung thân ”, chị ngậm ngùi kể.
Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An xác nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Hải đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: NVCC Đầu năm 2020, chân anh Hải liệt hoàn toàn, được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An điều trị cho tới nay. Chị bảo: “25 năm ròng rã khắp Bắc – Nam chạy chữa cho chồng, cảm ơn sự quan tâm, tận tình giúp đỡ của các y bác sĩ. Mình rất mong có phép màu nào đó đến với chồng ".
Với hoàn cảnh ngặt nghèo hiện tại, chị Thuỷ gần như đã không còn khả năng tiếp tục lo cho chồng. Rất mong hoàn cảnh của anh chị sớm nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ xã hội.