Trường ĐH Thủ Dầu Một kiến nghị trả lại 37 tỷ đồng thu học phí sai cho sinh viên. Ảnh: T.TTheo đó, Trường ĐH Thủ Dầu Một kiến nghị sẽ hoàn trả lại số tiền 37 tỷ đồng thu sai này cho sinh viên. Tuy nhiên, do toàn bộ số tiền nói trên đã được nộp vào ngân sách trước ngày 31/3/2023 theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước nên nhà trường xin ý kiến của Sở Tài chính và UBND tỉnh Bình Dương (cơ quan chủ quản) xem xét, hướng dẫn để trả lại cho sinh viên.
Trao đổi với PV VietNamNet, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết, do thời gian phải giải quyết số tiền thu sai theo đề nghị của kiểm toán ngắn (trước tháng 3/2023), trong khi số lượng sinh viên của trường lên đến gần 20.000 người nên việc trả lại khó khả thi và không kịp thời gian, do đó biện pháp trước mắt là trường nộp vào ngân sách theo đúng thời gian quy định.
Theo TS. Cường, trước ý kiến từ dư luận, nhà trường lên phương án để hoàn trả lại tiền học phí thu sai cho sinh viên, hiện các cơ quan chuyên môn của trường đang thực hiện rà soát, thống kê.
“Toàn bộ số tiền thu sai học phí tín chỉ thực hành theo kết luận của kiểm toán sẽ được nhà trường trả lại cho sinh viên bị ảnh hưởng. Tuy nhiên việc này cũng cần có thời gian và làm kỹ càng để đảm bảo quyền lợi của sinh viên cũng như đúng quy định của pháp luật” - Chủ tịch Hội đồng trường khẳng định.
Trong khi đó, một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết, qua nắm bắt thông tin về sự việc này, UBND tỉnh cũng đã có chỉ đạo đối với Trường ĐH Thủ Dầu Một, các Sở ngành có liên quan phối hợp giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho sinh viên.
Hiểu nhầm về cách thu học phí
Về nguyên nhân dẫn đến thu sai học phí, TS. Cường lý giải do trường hiểu nhầm về cách thu học phí đối với phần tín chỉ thực hành, còn về phần tín chỉ lý thuyết thì đúng theo mức quy định của Nhà nước.
Cụ thể, thời điểm 2020-2022, trường chưa tự chủ tài chính, do đó mức thu học phí được thực hiện theo quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và quyết định số 28/2016/QĐ-UBND tỉnh Bình Dương. Theo đó, mức thu đối với nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế là 327.000 đồng/tín chỉ và mức thu với nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật là 390.000 đồng/tín chỉ. Nhà trường hiểu đơn giá này là đơn giá chung cho tín chỉ lý thuyết có quy mô 40 sinh viên/nhóm lớp hoặc các môn lý luận chính trị cho quy mô lớn hơn.
Bên cạnh đó, trường cũng thiết kế chương trình đào tạo theo hướng tăng cường thực hành để người học có năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, khi triển khai tín chỉ thực hành thì quy mô lớp sinh viên ít hơn (trung bình 10-25 sinh viên/lớp).
Xuất phát từ thực tế trên, kinh phí triển khai thực hiện dạy tín chỉ thực hành cao hơn nhiều so với lý thuyết, Ban giám hiệu đã báo cáo đề xuất Hội đồng trường mức thu đối với tín chỉ thực hành cao hơn gấp 1,5 lần so với tín chỉ lý thuyết.
Cụ thể, khối khoa học xã hội, kinh tế là 490.500 đồng/tín chỉ và khối tự nhiên, kỹ thuật là 585.000 đồng. Mức thu trên so với Nghị định 86/2015/NĐ-CP là chưa phù hợp.
Trường xác định nguyên nhân là do chưa thống nhất trong cách hiểu và vận dụng các quy định của Nhà nước vào việc tính giá thu học phí đối với các tín chỉ.
Trường ĐH Thủ Dầu Một là đơn vị công lập trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương, đây là trường đại học có số lượng sinh viên nhiều nhất tỉnh với khoảng 20.000 người, đào tạo đa ngành nghề. Từ năm 2022, trường bắt đầu tự chủ tài chính chi thường xuyên.
Vì sao đại học thu sai 37 tỷ đồng học phí nhưng không trả lại sinh viên?
Trường ĐH Thủ Dầu Một được xác định thu sai học phí lên đến 37 tỷ đồng, tuy nhiên thay vì trả lại cho sinh viên, nhà trường chọn phương án nộp vào ngân sách nhà nước.">