|
Nhiều bài học đã được rút ra từ quá trình dần hoàn thiện các ứng dụng, nền tảng công nghệ để công nghệ thực sự chia lửa, hỗ trợ đắc lực các lực lượng tuyến đầu chống dịch (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công nghệ phòng, chống dịch vào thực tiễn thời gian qua, hàng loạt vấn đề đã nảy sinh, đó là: Các nền tảng khi sử dụng thực tế đã phát sinh lỗi, không thuận tiện với người dùng; dữ liệu không liên thông; định danh người dùng không chính xác; dữ liệu tiêm chủng, xét nghiệm của người dân bị hiển thị sai trên các ứng dụng; có những ứng dụng trùng lặp chức năng gây bối rối cho người sử dụng; lỗi bảo mật, thậm chí là sơ đẳng của một số nền tảng...
Mỗi khi gặp các vấn đề vướng mắc, Bộ TT&TT đều đã phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan và doanh nghiệp công nghệ tìm giải pháp tháo gỡ. Nhiều bài học đã được rút ra từ quá trình dần hoàn thiện các ứng dụng, nền tảng công nghệ để công nghệ thực sự chia lửa, hỗ trợ đắc lực các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Nhìn lại hành trình đã qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Vượt qua được nỗi sợ bị phê bình, bị chỉ trích có lẽ là thành công lớn nhất của Bộ năm 2021. “Chúng ta đã có một cách tiếp cận đúng với các vấn đề lộ ra. Thay vì lo sợ và tìm cách giấu đi hay bao biện, chúng ta đã chọn cách nhận trách nhiệm và tìm cách giải quyết. Và vấn đề lộ ra, không ngờ lại là một cơ may hiếm có để ngành ta phát triển. Đi qua khó khăn và thách thức đã làm cho chúng ta tự tin hơn và quan trọng hơn tất cả là tinh thần sẵn sàng đương đầu với các vấn đề phát sinh, coi đây là động lực cho phát triển”, người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh.
Một bài học quan trọng nữa mà ngành TT&TT, những người làm công nghệ đã nhận thức được đó là phát triển công nghệ phòng, chống dịch phải xác định rõ cái gì triển khai bắt buộc thống nhất trên toàn quốc, cái gì linh hoạt triển khai theo đặc thù của từng bộ, ngành, địa phương. Với nội dung triển khai bắt buộc thống nhất trên toàn quốc, cần có một đầu mối điều phối thống nhất từ phát triển đến triển khai, tránh việc phát triển tự phát, chồng chéo, không bảo đảm chất lượng. Còn với nội dung linh hoạt triển khai theo đặc thù của các bộ, ngành và địa phương, cần có quy định về kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu, tránh tình trạng cục bộ, cát cứ dữ liệu.
Trong triển khai công nghệ phòng chống dịch, cũng cần xác định rõ công nghệ chỉ quyết định 20%, còn 80% thành công nằm ở mô hình tổ chức và sự đồng thuận triển khai. Cùng với đó là việc đề cao tính thực tiễn. Những người làm công nghệ cần đi sớm, đi ngay vào tâm dịch để chứng kiến những nỗi đau, những mất mát của người dân, những khó khăn của đội ngũ y tế tuyến đầu thì mới có thể cho ra những sản phẩm công nghệ đi vào cuộc sống.
Với nhận thức đó, trong cả 4 đợt dịch bùng phát trên cả nước, Bộ TT&TT đều cử các đoàn cán bộ công tác trực tiếp nằm vùng tại các vùng dịch để hỗ trợ chính quyền địa phương triển khai các ứng dụng chống dịch. Đặc biệt trong đợt dịch thứ tư, Bộ TT&TT đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương của Bộ tại các tỉnh phía Nam do Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ huy. Mục đích là để phối hợp triển khai các nền tảng công nghệ, đặc biệt là các nền tảng quản lý tiêm chủng và xét nghiệm, qua đó trực tiếp đóng góp vào chiến dịch tiêm chủng và xét nghiệm diện rộng.
Giải bài toán đảm bảo an toàn dữ liệu người dùng
Một điểm yếu trong việc phát triển và đưa vào cuộc sống các ứng dụng, nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 là khâu đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin của người dùng. Tiêu biểu như, hồi tháng 10, một chuyên gia công nghệ người Việt tại nước ngoài đã cảnh báo về nguy cơ lộ dữ liệu khoảng 25 triệu người dùng nền tảng tiêm chủng Covid-19. Về sự cố này, tại Hội nghị và Triển lãm quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2021 diễn ra ngày 25/11, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cũng cho biết: “Có khả năng lộ lọt thông tin hàng chục triệu người tham gia tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 năm 2021”.
Mặc dù qua theo dõi của cơ quan chức năng vẫn chưa phát hiện thông tin, dữ liệu kể trên bị khai thác, sử dụng hay rao bán, song rõ ràng, vụ việc này đã buộc các cơ quan, đơn vị chủ trì phát triển các ứng dụng, phần mềm chống dịch phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân cũng như có giải pháp để khắc phục lỗ hổng.
Thực tế, ngay trong tháng 10/2021, các chuyên gia của liên bộ: TT&TT, Công an, Quốc phòng đã tiến hành kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho các nền tảng công nghệ phòng chống dịch Covid-19, trong đó có nền tảng tiêm chủng Covid-19. Cùng với đó, Bộ TT&TT đã phát động Chương trình quốc gia tìm kiếm lỗ hổng bảo mật (Bug Bounty), huy động các chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia phát hiện các lỗ hổng trong các nền tảng công nghệ phòng chống dịch.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan là do yêu cầu phát triển công nghệ phòng chống dịch cấp bách, khẩn trương, sự cố bảo mật của nền tảng tiêm chủng Covid-19 hồi tháng 10/2021 còn cho thấy quá trình phát triển các ứng dụng, nền tảng chống dịch chưa tuân thủ một cách nghiêm ngặt quy trình phát triển phần mềm an toàn DevSecOps.
Bài học lớn đã được Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia rút ra từ sự cố này là việc bảo đảm an toàn thông tin mạng đóng vai trò then chốt, là điều kiện tiên quyết trong quá trình phát triển, triển khai các hệ thống thông tin, đặc biệt là các hệ thống xử lý thông tin cá nhân.
Ngoài ra, khi triển khai đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin có quy mô quốc gia, cần sự tham gia của tất cả các lực lượng chuyên trách và huy động tri thức từ cộng đồng chuyên gia.
Các đơn vị phát triển phần mềm cần thay đổi tư duy trong việc triển khai đảm bảo an toàn thông tin với các hệ thống thông tin: từ “Thử” - “Thật” – “Thử” (hệ thống thống tin “Thử nghiệm” sử dụng dữ liệu “Thật” và triển khai đảm bảo an toàn thông tin như “Thử nghiệm”), sang thành “Thử” – Thật” – “Thật” (các hệ thống thông tin “Thử nghiệm” nhưng chứa dữ liệu “Thật” cần ứng xử và triển khai đảm bảo an toàn thông tin như hệ thống “Thật”)." alt=""/>