Vĩnh biệt “cánh chim đầu đàn” âm nhạc bác học
Con đường anh đi đã mở lối cho nhiều học trò tiếp bước,ĩnhbiệtcánhchimđầuđànâmnhạcbáchọkia seltos niềm vinh quang anh đón nhận chính là sự thành công của thế hệ trẻ mà hành trang của họ đang trĩu nặng những hoài bão của anh
Nhận được tin anh mất, tôi rất bàng hoàng, những kỷ niệm của thời còn trao đổi, học tập và đúc kết kinh nghiệm sáng tác của chúng tôi như chỉ mới hôm qua.
GS - nhạc sĩ - NSND Quang Hải.
Tôi là “láng giềng”, đồng thời là người “cộng tác” nhiều năm với GS - nhạc sĩ - NSND Quang Hải trong những ngày đầu tiên xây dựng Nhạc viện TP HCM. Anh sống giản dị đúng nghĩa một nhà giáo và là tấm gương sáng đối với nhiều thế hệ học trò. Những tác phẩm anh để lại cho đời đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tôi và các thế hệ khán thính giả mộ điệu âm nhạc bác học.
GS - nhạc sĩ - NSND Quang Hải viết đều tay, cẩn thận, chuyên cần lao động nghệ thuật như một người “lúc nào cũng cảm thấy mình mắc nợ” - anh vẫn thường nói thế. Vì cảm thấy mắc nợ với đời nên anh phải vắt tim mình để sáng tác. Anh nói và làm để sự nghiệp sáng tác của mình ngày càng đơm hoa, kết trái.
Sức làm việc của anh thật đáng nể: ngoài số lượng tác phẩm âm nhạc viết cho dàn nhạc giao hưởng, nhạc kịch, nhạc phim… còn có gần 60 công trình khoa học, tiểu luận, tham luận, hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước. Ngoài ra, những nhận định sâu sắc của anh đã làm kim chỉ nam cho nhiều nghiên cứu sinh khi du học nước ngoài về bộ môn âm nhạc. Ở trong nước, kết quả của những công trình nghiên cứu của anh đã là nền tảng để các thế hệ sinh viên tiếp nối học tập.
Để có được thành quả như hôm nay, GS - nhạc sĩ - NSND Quang Hải đã miệt mài và cần cù lao động, giữ tâm đức trong sáng để từng bước thực hiện hoài bão của cuộc đời mình. Khi còn là một nghệ sĩ biểu diễn, chỉ huy dàn nhạc, anh đã tham gia hàng trăm chương trình hòa nhạc giao hưởng và nhạc kịch. Trong đó, có đến 9 vở diễn của nước ngoài mà anh tham gia trong 10 năm học tập, nghiên cứu tại Nga. Cho tới nay, anh là người Việt Nam duy nhất đã chỉ huy dàn nhạc Nghệ sĩ công huân tập thể của Nga - một trong những dàn nhạc nổi tiếng bậc nhất thế giới.
Công lao của anh còn phải kể đến là người khởi xướng và tổ chức đào tạo tiến sĩ âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời trực tiếp đào tạo trên 50 nghiên cứu sinh, cao học và đại học của ngành âm nhạc nước nhà. Trong số này, đã có người hiện là phó giáo sư, có người được nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, nhà giáo ưu tú… Đối với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc vũ kịch Việt Nam và Nhạc viện Hà Nội, Nhạc viện TP HCM, anh là cánh chim đầu đàn, mang lại nhiều thành tựu cho sự nghiệp đào tạo, góp phần làm thăng hoa những tài năng của nền âm nhạc bác học.
Tâm nguyện đào tạo tài năng phải dựa vào chất lượng với tâm - đức - tài luôn là điều anh dốc sức.
Con đường anh đi đã mở lối cho nhiều học trò tiếp bước, niềm vinh quang anh đón nhận chính là sự thành công của thế hệ trẻ mà hành trang của họ đang trĩu nặng những hoài bão của anh. Vĩnh biệt anh, người nhạc sĩ đã sống với tất cả niềm say mê sáng tác, đào tạo. Những tác phẩm, công trình của anh sẽ mãi mãi được công chúng nâng niu, trân trọng.
Để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị GS - nhạc sĩ - NSND Quang Hải tên thật là Huỳnh Tấn Sĩ, sinh năm 1935, tại xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Vì tuổi cao sức yếu, ông trút hơi thở cuối cùng lúc 22 giờ 45 phút ngày 3-11, hưởng thọ 78 tuổi. Tang lễ được tổ chức tại Nhà Tang lễ TP HCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM). Lễ truy điệu lúc 14 giờ ngày 6-11, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Hội Tương tế Bến Tre - 196 Tỉnh lộ 43, phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. GS - nhạc sĩ - NSND Quang Hải tốt nghiệp Khoa Chỉ huy giao hưởng và nhạc kịch tại Nhạc viện Léningrad (St. Peterburg - CHLB Nga) với học vị cao nhất là tiến sĩ lý luận âm nhạc. Ông từng giữ các chức vụ giám đốc Nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc vũ kịch Việt Nam, giám đốc Nhạc viện TP HCM; được nhà nước phong hàm GS và danh hiệu NSND. Sự nghiệp sáng tác của ông đã để lại cho nền âm nhạc nước nhà nhiều tác phẩm có giá trị, gồm: 3 tổ khúc giao hưởng; 2 concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng; 2 concerto cho piano và dàn nhạc giao hưởng; Fantasie cho piano biến tấu trên chủ đề Lý tầm quân; concerto cho đàn nguyệt và dàn nhạc giao hưởng; song tấu cho đàn tranh, đàn harp và dàn nhạc giao hưởng…Đặc biệt, trong đó có biến tấu trên chủ đề Hoa thơm bướm lượn (dân ca quan họ Bắc Ninh) cho đàn nguyệt và dàn nhạc giao hưởng; biến tấu trên chủ đề Tam pháp nhập môn của âm nhạc cải lương; hòa tấu cho dàn nhạc dân tộc Ngày hội; giao hưởng - đại hợp xướng Chuỗi ngọc biển Đông hoặc giao hưởng - thanh xướng kịch Ký ức Hồ Chí Minh; rồi concerto cho đàn T’rưng và dàn nhạc giao hưởng Dốc sương mù… cùng những tác phẩm nhạc viết cho 36 vở kịch nói, cải lương, kịch truyền hình, phim và múa. |
GS-NS Ca Lê Thuần (Theo NLĐ)