Dưới đây là câu chuyện của một bà mẹ gửi đến VietNamNet
Vào một buổi chiều, sau khi nhận được điện thoại cô giáo của con trai, tôi lao vào bệnh viện. Con tôi nằm đó dù đã tỉnh nhưng như một đứa trẻ vô hồn.
Tôi khóc khi đọc lá thư từ biệt bố mẹ và gục ngã khi đọc lá thư gửi cho các bạn trong trường.
Đó là câu chuyện của 4 năm về trước, khi con trai tôi đang theo học trung học. Cháu là cậu bé khá đặc biệt, ít nói, ham đọc sách, đặc biệt là sách khoa học. Bởi thế mà cháu nói chuyện với mọi người hay phân tích và có tí sách vở, chứ không thực tế như các bạn. Bên cạnh đó, cháu có tính cách mà tôi không biết là nên đồng tình hay phản đối. Đó là cháu luôn động lòng với bất cứ chuyện gì và sẵn sàng quên mọi thứ để giúp người khác, thậm chí là nhìn thấy con mèo hay con chó, con chim bị thương cháu cũng không bỏ qua. Đã có lần cháu muộn học chỉ vì thấy một con mèo bị thương trên đường, cháu đã tìm bằng được chỗ chữa cho nó.
Cá tính này chính là khởi nguồn cho rắc rối của con trai tôi.
Tôi không hề biết những chuyện gì đã xảy ra ở lớp của con trai. Về nhà cháu vẫn rất bình thường. Chỉ đến khi xảy ra chuyện và đọc lá thư con trai viết cho lớp trước khi làm điều dại dột. Cháu viết: “Tôi sẽ chết để chứng minh cho các người thấy tôi không phải là quái thai. Tôi đã làm gì mà các người phải lập nhóm trên Facebook, nhóm chat biến tôi thành trò cười, một kẻ dị dạng. Chỉ có cái chết mới khiến các người vui phải không?”
Tôi không muốn nói chi tiết về quãng thời gian đen tối ấy. Qua tìm hiểu và sau khi bình tâm lại, cháu đã kể cho tôi chuyện trở thành nạn nhân bị bêu xấu trên mạng. Bắt đầu từ việc cháu chỉ tên một bạn trong lớp quay cop bài. Điều đó được coi là khác người.
Ngay hôm sau, hình ảnh của cháu xuất hiện trong một group kín bị tô vẽ, bị chú thích tục tĩu và kêu gọi tẩy chay.
Ngay cả việc, hôm cháu bắt gặp con mèo bị thương ở gần trường, vô tình một bạn trong trường chụp được, và hình ảnh cháu lại lan khắp các group trong trường, cho rằng cháu giả tạo, lập dị, nên cưới một con mèo...
Con tôi luôn là chủ đề hàng tối của một nhóm bạn trong lớp và sau này lan sang các lớp khác.
Đỉnh điểm của những trò hạ nhục trên mạng là có một thách đố ai rủ được cháu đi “ăn bánh trả tiền” (quan hệ tình dục với gái mại dâm) sẽ có phần thưởng.
Một số bạn trong lớp không đồng tình với những trò đùa cợt đó, sau thời gian dài im lặng đã cho con tôi biết tất cả những trò quái gở đó.
Con trai tôi có Facebook, nhưng rất ít sử dụng. Và sau khi bạn cho xem những đoạn chat, những đoạn bình luận về mình trên nhóm kín, cháu sốc và tìm mua thuốc ngủ trên mạng và uống vào giờ nghỉ trưa tại trường. May mắn là loại thuốc đó không mạnh và liều nhỏ. Cháu được cấp cứu kịp thời nên qua khỏi.
Nhưng cú sốc đó thì không khỏi, con tôi trầm cảm, phải mất vài tháng mới đỡ phần nào. Tôi chuyển trường cho con, không phải là giải pháp hay, nhưng chẳng còn cách nào khác. Cho đến tận bây giờ, khi đã học ở trường quốc tế, môi trường rất cởi mở, con trai tôi vẫn rất rụt rè và lo sợ mỗi khi được giao làm việc gì. Từ một cậu bé tự tin và thành thật, thì giờ đây, cháu luôn do dự và luôn thăm dò các bạn có nói gì mình không một cách thái quá. Cháu luôn lặng lẽ, ít bạn và luôn đề phòng mọi thứ.
Dù không có chuyện đau lòng xảy ra, nhưng di chứng từ những trò giễu cợt tưởng là vô hại lại đeo bám tận bây giờ. Đó vẫn là nỗi đau của tôi và con và đang đi tìm câu trả lời: Làm gì để bảo vệ mình và người thân trên không gian mạng có nhiều điều tốt nhưng cũng vô số những điều độc ác và vô cảm. Tôi nên làm gì để giúp con thoát khỏi ám ảnh bởi cú sốc thật từ không gian ảo?
Nguyễn Minh Phương (Hà Nội)
Độc giả có thể gửi bài viết cho chúng tôi theo địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin chân thành cảm ơn.
Bi kịch từ mạng xã hội
Lee MacMillan, ngôi sao trên mạng xã hội Instagram, mới đây đã kết thúc đời mình trong bi thảm. Cô là một trong những nạn nhân của trò bắt nạt trực tuyến.
">