Con vui nhưng bố mẹ lo
Tối hôm qua,ỉhọcvìrétbốmẹđạichiếnbốcthămchọnngườitrôltd hôm nay con gái 8 tuổi của chị Đặng (Hà Đông, Hà Nội) đã dặn mẹ: “Sáng mai 6h mẹ nhớ xem dự báo thời tiết nhé, nếu nhiệt độ dưới 10 độ thì mẹ để cho con ngủ”. Chị cười nghĩ, bọn trẻ bây giờ nhanh nhạy thật, nhanh hơn cả người lớn vì chúng mong ngóng được nghỉ học, sáng không phải dậy sớm.
Thấy con nói vậy, chị hỏi lại: “Nếu mai dưới 10 độ, con được nghỉ nhưng mẹ thì không. Thế thì ai trông con mà con thích nghỉ? Nếu nghỉ, e rằng con phải dậy sớm hơn mọi ngày vì mẹ phải đưa con sang bà ngoại gửi rồi lên cơ quan làm việc”.
Nghe mẹ nói vậy, con gái mếu máo: “Thế thì thà con đi học còn hơn. Con tưởng được nghỉ thì được ngủ nướng, được ở nhà chơi với mẹ”.
Nhà chị Đặng cách nhà mẹ đẻ tầm 6km trong khi khoảng cách từ nhà đến trường con gái chưa đầy 1km. Vậy là lẽ ra con dậy từ 6h45 thì hôm nay con phải dậy từ 6h15 để sang nhà bà ngoại. Nhìn mặt đứa trẻ mếu máo, chị Đặng xót trong lòng. Nhưng cũng may, nhà chị Đặng có bà ngoại ở gần để gửi. Còn nhiều cha mẹ không có người thân ở gần thì loay hoay không biết gửi gắm ai. Có người “đánh liều” cho con ở nhà một mình, trưa vội về cho con ăn bát cơm hoặc gọi điện hướng dẫn con tự ăn.
Nhưng đó là trường hợp những đứa trẻ học lớp 3-4, còn những em bé học mầm non, việc tự ở nhà là không thể. Vì vậy mới có chuyện, vợ chồng bốc thăm xem ai phải nghỉ ở nhà trông con. Vì ai cũng kêu công việc bận, không xin nghỉ được.
Trường hợp của chị Hà ở Thanh Xuân, Hà Nội là một ví dụ. Chị kể, sáng nay chị phải dậy từ 6h sáng xem dự báo thời tiết. Khi biết Hà Nội lạnh dưới 10 độ, chị vội nhắn tin cho cô giáo hỏi xem nhà trường có cho học sinh nghỉ không.
Nhận được thông báo nghỉ học, vợ chồng hùa nhau dậy, loay hoay tính kế. Chồng bảo chị xin nghỉ ở nhà trông con. Vốn đã bực chồng từ lâu vì lúc nào anh cũng mặc định trông con là việc của chị nên lần này chị nhất định không nhượng bộ.
Theo chị, chồng lúc nào cũng coi công việc của mình là quan trọng còn công việc của chị thì không. Bất cứ con ốm, con đau hay có việc cưới hỏi, ma chay, chị đều phải xin nghỉ việc.
Hôm nay chị nhất định không làm theo ý chồng. Nhưng dù chị có nói hết nước hết cái chồng vẫn không chấp nhận ở nhà trông con. Cuối cùng cả hai đành phải bốc thăm. Ai bốc lá thăm “trông con” thì phải ở nhà, không bàn cãi.
Cuối cùng chồng chị là người bốc được lá thăm “may mắn” và phải ngậm ngùi ở nhà trông con. Chị biết chồng có tính lười, sợ cảnh phải cho con ăn, dọn dẹp… chứ chẳng đến mức bận công việc như vậy. Người ta đi làm có 12 ngày nghỉ phép nhưng chồng chị đã nghỉ ngày nào?
Chẳng qua là ở công ty có nhiều thú vui, được bù khú với anh em bạn bè cốc nước chè điếu thuốc. Nhưng việc nghỉ hôm nay cũng chỉ là chuyện tạm thời. Nếu tình hình thời tiết lạnh dưới 10 độ vài hôm thì không biết gia đình chị xoay xở thế nào, chỉ lo lại xảy ra “đại chiến”.
Chị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) hiện là nhân viên kinh doanh, có thể điều phối công việc từ xa nên sắp xếp công việc có vẻ dễ dàng hơn. Sáng nay, vừa nhận thông báo nhiệt độ xuống thấp, các con được nghỉ học, chị lập tức xin công ty nghỉ làm để ở nhà trông con. Hiện tại, con gái lớn của chị học lớp 1 còn cậu con trai đang học mầm non.
"Vì hai cháu còn nhỏ nên không thể tự chăm nhau. Bà nội ở nhà cũng yếu, tôi không dám nhờ vả. Nhận được tin từ nhà trường, tôi phải xin nghỉ để lo cho các cháu ăn uống, ngủ nghỉ chứ không thể yên tâm được.
Mong thời tiết ấm áp lên vài độ để đưa con tới lớp chứ nghỉ làm dài ngày không phải là giải pháp tối ưu", chị Thanh chia sẻ.
Tương tự chị Thanh, sáng sớm nay, nghe tin các con được nghỉ học vì trời lạnh, chị Hằng (Hải Phòng) đã vội lên kế hoạch cho cô con gái lớp 2. Vì công việc có thể linh động thời gian, chị Hằng đưa con ra quán cà phê cùng mẹ.
Như vậy, chị có thể tranh thủ làm việc, con lại có thể tận hưởng món ngon và uống cốc nước con yêu thích.
Tuy nhiên, theo chị Hằng, nếu thời gian rét đậm kéo dài, ngoài phương án cho nghỉ, nhà trường có thể giãn giờ học cho con. Thay vì 7h vào học như mọi khi, nhà trường có thể bắt đầu tiết học đầu tiên vào lúc 9h. Vì lúc đó thời tiết đã ấm dần lên, các con đến trường, ở trong lớp đã ấm và an toàn.
Thuê giúp việc theo giờ
Sáng sớm, chị Nguyễn Mai, sống tại một chung cư Hà Nội cũng vội đăng lên nhóm tìm người trông trẻ theo giờ sau khi nghe tin dự báo thời tiết Hà Nội dưới 10 độ.
Chị cho biết, hôm nay con được nghỉ mà chị thì không thể xin công ty nghỉ thêm nữa. Gần Tết, công việc văn phòng bận, nghỉ một ngày là bị dồn việc.
Vợ chồng bàn tính chán chê từ tối hôm trước cũng không chốt được phương án, không ai sắp xếp được ngày nghỉ để trông con. Cuối cùng, chị thuê một bác giúp việc đang trông trẻ cho một nhà người quen ở cùng chung cư với giá 300.000 đồng/ngày.
Sau bài đăng của chị, vài chị em trong chung cư cũng bình luận nhờ vả nhưng vì không kham nổi nên bác giúp việc này chỉ nhận 3 cháu lớn. Con chị Mai học lớp 1 nên việc trông nom cũng dễ hơn. Ở tuổi này, cháu chưa tự giác ăn uống được nên chị vẫn lo khi cho con ở nhà một mình. Số tiền 300.000 đồng/ngày có lẽ bằng tiền lương cả ngày của chị nhưng việc nghỉ làm không phải dễ nên cũng đành…
Chị còn dặn bác giúp việc, nếu mấy hôm nữa con vẫn nghỉ học thì chị sẽ nhờ bác tiếp. Nhưng chồng chị nói, nếu rét kéo dài, anh sẽ về quê đón bà nội lên để tiết kiệm chi phí và cũng yên tâm hơn khi cháu ở gần ông bà.
9h30 sáng nay, chồng chị gọi, giọng hốt hoảng: “Vợ ơi, nhà mất nước, chung cư thông báo từ hôm qua nhưng cả tầng không ai nắm được. Bác giúp việc vừa gọi điện bảo xem xử lý thế nào chứ ở nhà không có nước, trẻ con không sinh hoạt được".
Vậy là chị Mai lại hớt hải xin công ty về nhà để mua cơm nước, chăm con. Chạy xe máy trong tiết trời mưa phùn, nhiệt độ dưới 10 độ, đôi tay chị lạnh cóng. Nhưng về đến nơi thì chị nhận tin nhà vừa có nước lại. Chị hậm hực, than trời... "bao giờ mới hết cảnh khổ này".