Ngày nay, một Campuchia được khôi phục, xây dựng lại từ đống tro tàn tiến tới hòa giải, hòa hợp dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực ổn định chính trị, gìn giữ hòa bình. Một Campuchia đang phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế.Khmer Đỏ - Một chế độ diệt chủng tàn bạo
Lịch sử còn khắc sâu dấu mốc ngày 17/4/1975, đất nước và nhân dân Campuchia đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thế nhưng, nhân dân Campuchia chưa kịp mừng chiến thắng thì đất nước lại rơi vào thảm họa diệt chủng của bè lũ Khmer Đỏ do Polpot (Pôn Pốt), Ieng Sary (Iêng Xari), Khieu Samphan (Khiêu Xamphon) cầm đầu, đẩy dân tộc Campuchia tới bờ vực của sự diệt vong.
Hơn 3 triệu người Campuchia vô tội đã bị giết hại trong thời kỳ đau thương này, đẩy dân tộc Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong. Hàng trăm nghìn người Campuchia đã phải rời quê hương chạy sang Việt Nam để lánh nạn.
Không chỉ đẩy dân tộc Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong, những tên "đồ tể" Khmer Đỏ còn tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, gây nên những tội ác tày trời đối với nhân dân Việt Nam. Chúng thực hiện chính sách thù địch, xuyên tạc lịch sử, huy động phần lớn sức mạnh quân sự, hàng chục sư đoàn chủ lực và nhiều trung đoàn địa phương tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm biên giới Tây - Nam của Việt Nam. Chúng tàn phá làng mạc, giết hại dã man người dân, kể cả người già, phụ nữ, trẻ em; xâm phạm nghiêm trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Tội ác của của bè lũ Khmer Đỏ là không thể dung tha.
|
Người dân Campuchia lánh nạn sang Việt Nam di chuyển trên Quốc lộ 22 (thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh), do không thể sống nổi dưới chế độ diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary. |
Ông Hoàng Xuân Liệu, cựu chuyên gia Bộ Công Thương, thuộc Đoàn Chuyên gia Chính phủ (A40) cho biết: “Có một hình ảnh ám ảnh tôi suốt cuộc đời là một chiều tản bộ trong Phnom Penh, khi ngồi xuống tảng đá gần công viên, tôi di chân vào mô đất gần đó thì bật ra những bộ xương đùi, xương sọ người. Nên không sai khi nói Phnom Penh lúc đó là thành phố chết, là những hố chôn người tập thể”.
Lời thề giữ đất
Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đóng ở tận cùng mảnh đất Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai), trấn giữ cửa ngõ quan trọng trong con đường dẫn ra cửa khẩu cùng tên. Cách không xa cổng đồn uy nghiêm, vững chãi là Nhà bia tưởng niệm 10 liệt sĩ bộ đội biên phòng hồi năm 1978.
Am thờ những người lính đã nằm xuống vấn vương từng đụn hương thơm ngát quanh sắc hoa tươi. Tấm bia mới dựng cách đây một năm, chữ đỏ như máu: “Tại đây! Trong chiến tranh biên giới Tây Nam của Tổ quốc (từ tháng 4/1977 - 5/1978), đỉnh cao là 9 ngày đêm, Đồn bị địch bao vây, một số đồng chí bị thương và hy sinh, song cán bộ, chiến sỹ Đồn vẫn kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu đánh trả và đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên, đánh bại một tiểu đoàn địch, tạo đà cho quân ta phản công. Bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc…”.
|
Cột mốc 30 tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, nơi mà cách đây hơn bốn mươi năm, mảnh đất biên cương này rền vang tiếng súng đánh trả lại quân Khmer Đỏ. |
Theo lời kể của Thượng tá Đinh Hữu Ninh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai), trước khi mang tên hiện nay, phiên hiệu đơn vị là Đồn Biên phòng 649. Cách đây hơn bốn mươi năm, mảnh đất biên cương này rền vang tiếng súng giáng trả lại quân Khmer Đỏ.
Như ở nhiều đồn biên phòng khác trên mảnh đất Tây Nam, ban đầu là những lập luận kiên trì, có lý, có tình đáp lại các toán lính Pol Pot ngang ngược cầm súng vào đồn khiêu khích, đòi bộ đội rút quân đi nơi khác vì “Cấp trên nói đất Campuchia kéo dài đến Đức Cơ”. Nhưng mọi thiện chí hòa bình từ những người lính bị phớt lờ. Sau các cuộc kéo cả tiểu đoàn vào làng đốt nhà, cướp của, bắt người, chiếm đất là Khmer Đỏ cho lính vây hãm, phục kích, tập kích, tấn công quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nhằm xóa sổ các đồn, trạm biên phòng và các địa bàn đông dân cư của ta. Tại Gia Lai, đỉnh điểm là từ ngày 18 đến 27/6/1978, 1 tiểu đoàn lính Pol Pot với súng hạng nặng như cối, pháo 105mm đánh chiếm Đồn 649.
“Vòng vây kẻ địch như gọng kìm siết chặt. Cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng vẫn ngoan cường dựa vào hệ thống hào công sự chiến đấu với kẻ địch. Họ quyết bám trụ, giữ đồn cho tới khi lực lượng Quân khu V đến chi viện đánh bật kẻ thù ra khỏi lãnh thổ. Lời thề giữ đất được đánh đổi bằng 10 người lính mang quân hàm xanh. Năm 1979, Đồn Biên phòng 649 được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, Thượng tá Đinh Hữu Ninh nói.
|
|
Nhớ như in những hình ảnh giữ đất, giữ đồn, ông Rơ Châm Chiếc - người lính trẻ Đồn Biên phòng 649 năm ấy, nay là một già làng ở xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Ông bảo, làm sao có thể quên những ngày trên đầu là mưa đạn pháo, dưới chân là nước mưa ngập đến đầu gối, hệ thống giao thông hào nhầy nhụa, còn bên cạnh, những đồng đội cứ lần lượt ngã xuống. Ông già sắp bước sang tuổi 70, người dân tộc Jrai chậm rãi nói: Sự tàn bạo man rợ của lính Pol Pot ở khắp biên giới Tây Nam. Chúng đập chết đàn ông, người già bằng gậy gỗ mun. Phụ nữ có nhan sắc bị chúng cưỡng hiếp tại cánh đồng, cạnh các xác chết. Cưỡng hiếp xong cũng giết luôn bằng cây gậy xiên qua người. Chúng còn hành quyết trẻ em theo những kiểu man rợ nhất.
“Lính biên phòng đã thề quyết tử. Ròng rã 9 ngày đêm, có đến hàng ngàn quả đạn pháo dội xuống Đồn. Những trận tập kích của lính Pol Pot cứ đến cấp tập. Khmer Đỏ còn cho trinh sát luồn sâu gài mìn phục kích nhằm chặn đường tiếp viện của quân ta, các tay súng bắn tỉa thì luôn tìm cách áp sát Đồn. Cái chết cận kề. Nhưng tất cả sẵn sàng đón nhận”, ông Rơ Châm Chiếc nhớ lại.
Không riêng Ia Dom. Trước các cuộc tấn công vào lãnh thổ Việt Nam, giết hại người dân vô tội, đặc biệt dã man là vụ thảm sát Ba Chúc (Tri Tôn, An Giang) vào tháng 4/1978, khi lính Khmer Đỏ đã giết, hành quyết man rợ 3.157 dân thường, lời thề giữ đất đã vang lên khắp một dải biên cương Tây Nam. Từ Gia Lai, Kon Tum, Đồng Tháp, Kiên Giang… đến Tây Ninh, An Giang, nhân dân vùng biên giới phẫn nộ trước tội ác của Khmer Đỏ và biểu thị lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của vì biên giới thiêng liêng. Phong trào “cắm chông giữ đất” được đồng bào Kinh, Jrai, Ba Na và các dân tộc khác hưởng ứng, lan từ nội địa ra biên giới, thể hiện sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đại đoàn kết tôn giáo, đoàn kết quân - dân - chính.
|
Lực lượng quân đội cách mạng Campuchia tiến vào giải phóng Thủ đô Phnom Penh, trưa 7/1/1979. |
Lịch sử thời hiện đại cũng đã ghi lại: Máu người Việt chảy dọc biên giới Tây Nam những năm 1975 đến 1978, khiến hơn 3 vạn thường dân vô tội bị sát hại bởi chính sách diệt chủng người Việt, như đã làm với người Khmer, của Pol Pot. Trong thời gian này, bốn mươi vạn thường dân Việt Nam phải bỏ nhà, bỏ đất, bỏ ruộng để tản cư sâu vào nội địa, sống chen chúc bên những hố bom B52 chưa kịp lấp; 6 vạn ha ruộng đất và đồn điền cao su ở vùng biên giới phía Tây Nam bị bỏ hoang, hàng chục trường học, nhà thờ, chùa chiền. Việt Nam cố gắng giải quyết cuộc xung đột một cách hòa bình thông qua đàm phán ngoại giao, nhưng Khmer Đỏ từ chối đàm phán. Việt Nam phải chuyển sang sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc xung đột.
Nhưng cũng trong những năm tháng lính Pol Pot thực hiện những tội ác “trời không dung, đất không tha” đối với người dân Việt Nam, lại có những sâu nặng của ân tình, lương tri, tấm lòng nhân hậu giang tay giúp đỡ hàng trăm ngàn người dân Campuchia bỏ trốn khỏi “cánh đồng chết” Angkor. Những làn sóng di tản đó, chạy sang neo lại trên một dải 240km đất Việt, nương nhờ đồng bào biên giới để thoát khỏi một chính quyền đang thiết lập lại đất nước bằng "cải cách" khắc nghiệt, nông thôn hóa thành thị và “thanh lọc”, “diệt chủng".
Ân tình sâu nặng
Trên mảnh biên giới Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đất đang vươn mình hôm nay, không phải người nào cũng biết, cách đây hơn 40 năm khi từ sát biên giới lùi vào định canh, định cư thì nơi này chỉ có cái cây, ngọn cỏ. Và đấy cũng là lúc, như bao buôn làng, thôn xã khác trên dọc 240km biên giới Tây Nam, bà con Rờ Kơi dang tay giúp đỡ làn sóng tị nạn bỏ trốn khỏi “cánh đồng chết” Angkor. Tất cả không kỳ thị, không phân biệt đối xử.
Từ ngôi nhà kiên cố phía đầu làng Rờ Kơi, ông A Ghinh, hướng ánh nhìn ra phía trường tiểu học gần đó nằm hiền hòa trong cây cối xanh mát, những đứa trẻ người dân tộc Hà Lăng, Brâu, Mường, Thái đang hồn nhiên nô đùa dưới trưa nắng. Nghe nhắc đến chuyện ông giúp người dân Campuchia chạy sang tị nạn, lánh họa diệt chủng của bọn Khmer Đỏ, già làng dân tộc Hà Lăng (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) cười đôn hậu, nói: “Ôi chà, 300 người bồng bế nhau chạy sang đấy”.
|
Già làng A Ghinh trò chuyện với phóng viên nhớ lại về những ngày tháng cưu mang, đùm bọc nhân dân Campuchia chạy khỏi nạn diệt chủng Pon Pot láng nạn ở Rờ Kơi. |
Trong trí nhớ của ông A Ghinh - người năm 2011 được Chủ tịch Nước tặng Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, thì hồi trước năm 1975, bà con Rờ Kơi và người dân biên giới Campuchia rất gắn bó, thường xuyên qua lại. Nhưng khi Khmer Đỏ lên nắm quyền thì “nó cấm dân không được gặp người Việt Nam”. Rồi sau đó liên tục xảy ra các vụ thảm sát man rợ, diệt chủng người Khmer, liên tục có những người Campuchia chạy sang tị nạn tại các xã biên giới của Kon Tum như Ya Mô, Ya H’rai, Mô Rai. Hàng loạt các lán tạm dựng khắp dọc vùng biên. Những người này nói là lính Khmer Đỏ đã bắt rất nhiều người dân mang đi. Tận mắt thấy nhiều người dân bị đập chết nên họ xin tị nạn để lánh họa diệt chủng. Nếu không được, họ sẽ sang Lào tị nạn và sẵn sàng đưa bộ đội Việt Nam đến xem những hố chôn tập thể người dân và cán bộ Campuchia. Còn để Pol Pot sang đưa về thì họ đều bị trừng trị bằng cách chôn sống tập thể, bị đập chết rất dã man, tàn bạo.
“Khi ông già cùng người làng ra đây lập xã Rờ Kơi thì 300 người kia chạy sang xin tị nạn. Ai cũng khổ, hai bàn tay trắng, không gạo ăn, không nước uống. Mà họ chạy sang đây thì có ai đâu, chỉ có làng Rờ Kơi thôi. Mà Rờ Kơi thì nghèo nữa. Có gì đâu, chỉ có gạch đá thôi. Nhưng vẫn bảo nhau cố giúp họ lúa này, xoang nồi này, quần áo này, heo gà này, lập làng này”, ông A Ghin nhớ lại.
Theo lời kể của Bí thư đảng ủy xã Rờ Kơi, ông A Đinh: Người dân Campuchia, nhất là tại các làng ở những huyện Tà Veng, Von Xay của tỉnh biên giới Ratanakiri với người dân vùng biên thường xuyên qua lại với nhau. Đến khi gặp thảm họa diệt chủng, có hàng trăm người đã chạy sang lánh nạn tại Rờ Kơi những năm 1977 đến 1978. Họ được người dân và chính quyền, chiến sỹ biên phòng, lực lượng công an vũ trang giúp đỡ chu đáo, coi nhau như anh em trong nhà. Sau này khi trở về nước, họ vẫn giữ những tình cảm tốt đẹp, thân thiện với Rờ Kơi, với KonTum, thường hay qua lại, thăm hỏi những người đã giúp mình trong lúc hoạn nạn.
“Trong đó có cả những người sau này làm lãnh đạo cấp cao, có người làm Tỉnh trưởng, có người làm lãnh đạo các cấp, các ban, ngành của Campuchia như ông Bun Thoong, Xổm Keo”, ông A Đinh cho hay.
Việc bà con làng Rờ Kơi giúp đỡ người Campuchia trước thảm họa diệt chủng chỉ là một trong những ân tình nơi biên giới. Toàn bộ thông tin về tình hình người dân nước láng giềng rời bỏ xứ sở sang Việt Nam cùng các thành phần trong làn sóng tị nạn đều được báo cáo về cấp tỉnh và Trung ương. Thấu hiểu cơn hoạn nạn này, sự trợ giúp chân thành, chí tình, trong sáng, tình hữu nghị giữa hai dân tộc được đưa ra. Trước mắt là thuốc chữa bệnh, lương thực, các loại hạt giống, gia súc, gia cầm, công cụ sản xuất, đến giao đất dựng làng, dựng xã, phát nương làm rẫy, sản xuất để ổn định cuộc sống nơi ở tạm. Sau đó, theo lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã đề nghị với Việt Nam: “Hãy cứu giúp chúng tôi không chỉ cứu giúp mấy vạn người tị nạn mà phải cứu giúp cả một dân tộc”, những người lính tình nguyện Việt Nam đã vượt những dặm dài heo hút, núi rừng hiểm trở, giúp đỡ sự nghiệp đấu tranh sinh tồn của nhân dân Angkor.
Chính vì tình nghĩa sâu nặng này mà ông Bun Thoong - nguyên Thượng nghị sỹ, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Campuchia, người đã lánh nạn trên mảnh đất biên giới Kon Tum những năm đó đã đặt thêm cho con trai mình một cái tên Việt Nam là Phan Văn Vũ, theo tên của một chiến sỹ biên phòng. Và Phan Văn Vũ, tức Thoong Savon, Tỉnh trưởng tỉnh Rattanakiri hiện nay, là một trong hàng trăm đứa trẻ được sinh ra trên mảnh đất Kon Tum vào những năm tháng nặng tình, nặng nghĩa đó. Vũ được ông Bun Thoong gửi gắm cho đội trinh sát vũ trang Gia Lai – Kon Tum để quay về Campuchia cùng những người lính tình nguyện Việt Nam cầm súng chiến đấu chống lại Khmer Đỏ.
Chế độ diệt chủng bị đập tan, trước khi rời vùng biên giới Kon Tum để về lại Ratanakiri, ông Bun Thoong đã bày tỏ tự đáy lòng rằng, “không bao giờ quên được sự giúp đỡ quý báu, chân thành”, và nơi đây chính là “quê hương yêu dấu thứ hai đã sinh ra chúng tôi...”.
Chiến thắng lịch sử
Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 11/1978, Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phát triển được 15 tiểu đoàn, 5 khung tiểu đoàn... Với sự giúp đỡ của Việt Nam, ngày 2/12/1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra mắt nhân dân Campuchia, công bố cương lĩnh cách mạng, trong đó nêu rõ quyết tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng yêu nước nổi dậy đánh đổ tập đoàn phản động Pôn Pốt, xóa bỏ chế độ diệt chủng tàn ác, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân; khẳng định tăng cường tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới; kêu gọi chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế giúp đỡ mọi mặt cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Campuchia.
Trong tình cảnh ấy, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã đứng lên và lãnh đạo cuộc đấu tranh để giành tự do và sự tồn tại của dân tộc. Với phong trào dân tộc vĩ đại, dưới ngọn cờ của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và với sự ủng hộ tích cực của quân tình nguyện Việt Nam, cùng các nước hữu nghị yêu hòa bình khác theo lời kêu gọi của nhân dân Campuchia, cuối cùng nhân dân Campuchia đã đánh đổ chế độ diệt chủng, giành được chiến thắng lịch sử ngày 7/1/1979.
|
|
Hình ảnh Phnom Penh những ngày tháng Khmer Đỏ mới tháo chạy khỏi thành phố này vẫn rõ vẫn như in trong tâm trí ông Hoàng Xuân Liệu, cựu chuyên gia Bộ Công thương, thuộc Đoàn Chuyên gia Chính phủ (A40). Trước mắt ông, đấy không phải là một đô thị phồn thịnh như những năm 1960 mà là vùng đất chết, theo đúng nghĩa đen. Không có sự sống. Không điện, không nước. Phố phường vắng tanh. Cỏ dại mọc um tùm. Gió thổi hun hút. Nhà cửa im lìm. Không một bóng người. Không có cả tiếng chó sủa. Chỉ có tiếng súng đại bác từ phía rừng xa vọng về.
|
|
Dòng ký ức ông Hoàng Xuân Liệu trôi về những ngày tháng đang công tác tại Viện Kinh tế, Bộ Thương nghiệp thì nhận nhiệm vụ cùng Đoàn Chuyên gia Chính phủ (A40) sang Campuchia để khảo sát tình hình, giúp tổ chức các đoàn chuyên gia qua vực nước bạn dậy sau khi Khmer Đỏ bị đánh đuổi, truy quyét. Chuyến đi đó cũng mở đầu cho những năm sau này, ông làm Trưởng đoàn giáo viên với nhiệm tham mưu giúp Chính phủ và Bộ Thương nghiệp Campuchia xây dựng bộ máy, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Học viên là những người được tuyển chọn từ các tỉnh của Campuchia. Mỗi lớp khoảng 60 người, học trong thời gian từ 4 đến 6 tháng. Và những ngày tháng tuổi trẻ trên đất bạn đó, bên cạnh việc trực tiếp hướng dẫn những điều căn bản trong Thương nghiệp như điều lệ, thủ tục về bán lẻ hàng hóa, xuất nhập kho, kho tàng, ông Liệu cùng các chuyên gia khác và những học viên Campuchia lại đồng cam cộng khổ, chia sẻ cho nhau từng hạt gạo, viên thuốc, mớ rau…
“Bộ Thương nghiệp mới thành lập, con người thiếu vô cùng. Nhưng sau 2 năm thì chúng tôi đào tạo, hướng dẫn được khoảng 6 lớp, đủ giúp bạn hình thành bộ máy. Lúc đó chúng tôi có một niềm tin tốt đẹp về tương lai của Campuchia khi nhìn vào tinh thần học hỏi của các bạn. Chăn - Phin, vị Bộ trưởng Thương nghiệp đầu tiên hàng ngày đều đến trao đổi, hỏi xem tình hình công việc, tổ chức bộ máy đến đâu, học viên tiếp thu kiến thức như thế nào. Ông còn đề nghị ta tham mưu về các tiêu chí; việc tìm người, tuyển dụng cán bộ, công chức vào bộ máy”, ông Liệu cho biết.
Chiến thắng ngày 7/1/1979 đã lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, đem lại sự hồi sinh cho đất nước Chùa Tháp. Chiến thắng đó là thành quả của nhân dân, các lực lượng vũ trang Campuchia dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia và sự giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình của quân tình nguyện Việt Nam. Bởi vậy mà chiến thắng ngày 7-1-1979 đã trở thành chiến thắng chung, niềm vui chung của nhân dân hai nước, khép lại một trang sử đen tối nhất của đất nước Campuchia.
Đất nước Campuchia hồi sinh và trên đà khởi sắc
Bắt đầu từ chiến thắng lịch sử 7/1/1979, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), thông qua Chính phủ Hoàng gia, dân tộc và nhân dân Campuchia đã hồi sinh, đồng thời làm hết sức mình để vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, khôi phục và xây dựng đất nước từ đống tro tàn do chiến tranh và chế độ diệt chủng Pol Pot để lại.
Trải qua 40 năm, Campuchia ngày nay đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, thực sự trở thành một quốc gia hòa bình, phát triển ổn định, có quan hệ hữu nghị với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bức tranh kinh tế khởi sắc của đất nước Chùa Tháp đã cho thấy những thắng lợi trong việc triển khai Cương lĩnh chính trị và Chiến lược tứ giác giai đoạn 3 của Chính phủ Campuchia dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen. Nhờ duy trì hòa bình, ổn định chính trị và an ninh vững chắc đã bảo đảm cho Campuchia tiếp tục giành được những thành tựu mới to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
Thời gian tới, Chính phủ Campuchia tiếp tục chú trọng triển khai Chiến lược tứ giác giai đoạn 3, tập trung vào những mục tiêu như: phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, du lịch… nhằm góp phần đa dạng hóa nền kinh tế và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục tăng lương cho công chức, lực lượng vũ trang và thúc đẩy tăng lương cho công nhân, người lao động; phát triển và củng cố hệ thống bảo trợ xã hội một cách đồng đều, hiệu quả và bền vững.
Trong năm 2018 vừa qua, một điểm nổi bật trong đời sống chính trị của Campuchia là nước này đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI với chiến thắng áp đảo thuộc về đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền. Chiến thắng này đã phản ánh nguyện vọng của nhân dân Campuchia, tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng cầm quyền CPP.
|
Vở kịch “Máu và nước mắt” nói về nỗi thống khổ của người dân Campuchia dưới chế độ diệt chủng Khmer Đỏ được biểu diễn tại buổi lễ. |
Thực tế kể từ khi lãnh đạo đất nước từ năm 1979 đến nay, Ðảng Nhân dân Campuchia (CPP) luôn kiên định mục tiêu phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước phồn vinh. Và những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội tốt đẹp thời gian qua tại Campuchia chính là minh chứng rõ nét cho những cống hiến vì hòa bình và phát triển của CPP. Chiến thắng của CPP trong cuộc bầu cử tự do, công bằng vừa qua chính là động lực để khích lệ các nhà lãnh đạo của Campuchia nói chung và CPP nói riêng tiếp tục phấn đấu mang lại sự ổn định toàn diện và phát triển cho Campuchia trong thời gian tới.
Trước những chuyển biến của tình hình thế giới và khu vực, Campuchia giữ vững chính sách đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế, là thành viên tích cực trong nhiều cơ chế hợp tác khu vực như: Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC); Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV); Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV); Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS)…
Ðến nay, Campuchia có quan hệ thương mại với khoảng 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới; tiếp tục thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác với các nước lớn, các đối tác phát triển; tăng cường hợp tác với các nước láng giềng.
Diện mạo đất nước Campuchia đang trên đà đổi thay nhanh chóng, ngày càng hiện đại và phát triển hơn. Dưới sự điều hành hiệu quả của Chính phủ Campuchia, nhân dân Campuchia nhất định sẽ giành được những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Trong những năm qua, nền kinh tế Campuchia duy trì mức tăng trưởng 7% liên tục và luôn được Ngân hàng Thế giới (WB) xếp vào hàng các quốc gia đạt kỷ lục tăng trưởng cao. Cùng với đó là việc Campuchia luôn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt ổn định tỷ giá hối đoái và kiểm soát lạm phát ở mức thấp. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia tăng từ 10,35 tỷ USD trong năm 2008 lến 22,16 tỷ USD năm 2017, và ước đạt 24,37 tỷ USD năm 2018... Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao. Dự kiến, mức thu nhập bình quân đầu người của Campuchia trong năm 2018 đạt 1.563 USD (năm 2013 là 1.042 USD).
Campuchia hiện đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ quốc gia phát triển dựa vào lĩnh vực nông nghiệp thành quốc gia phát triển dựa vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Sự tăng trưởng của ngành xây dựng là một trong những động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Campuchia, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. Năm 2017, Campuchia đẩy mạnh các dự án xây dựng trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, khu đô thị mới… ở các trung tâm đô thị lớn như Phnôm Pênh, Xiêm Riệp… Năm 2017, có hơn 3.050 dự án tại Campuchia được cấp phép xây dựng; 275 công ty xây dựng mới được thành lập.
Du lịch cũng là một điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế tổng thể của đất nước Chùa Tháp. Với nhiều điểm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, thời gian qua, Campuchia là lựa chọn của không ít du khách quốc tế. Theo Bộ Du lịch Campuchia, trong 4 tháng đầu năm 2018, Campuchia đón hơn 2,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13,5% so cùng kỳ năm 2017.">