Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
Ông Đỗ Văn Sử - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, ưu điểm của nguồn nhân lực của Việt Nam qua tham khảo thông tin từ các nhà đầu tư FDI là kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên.
Ở nhiều nghề, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế. Lao động qua đào tạo tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện; trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Sử, nhân lực của Việt Nam vẫn còn những hạn chế là chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa gắn bó với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội.
Việc chuẩn bị đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 còn có những khó khăn và chưa triển khai được nhiều. Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề còn bất cập về phân bố giữa các vùng miền, ngành nghề, trình độ đào tạo, quy mô nhỏ.
Các chuyên gia đã cùng góp ý, thảo luận về chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp
Bà Trần Thị Lan Anh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, điểm tích cực trong chất lượng lao động hiện nay là tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo hoặc đào tạo ngắn hạn đã giảm đi, trong khi tỷ lệ lao động được đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng đã tăng lên.
“Tuy nhiên, xét theo khu vực doanh nghiệp FDI, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo hoặc đào tạo ngắn hạn vẫn còn cao, chiếm khoảng 44%. Điều này thấy rõ việc các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chủ yếu để tận dụng nguồn nhân lực phổ thông giá trẻ”, bà Lan Anh nói.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, lâu nay Việt Nam được biết đến là một quốc gia có lao động giá rẻ, làm dây chuyền lắp ráp. Nhưng trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lợi thế này sẽ mất đi.
Thị trường lao động đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn như khả năng giao tiếp, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, trình độ tin học,…
Do đó, bà Lan Anh cho rằng, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cần phát triển mô hình gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp phải tham gia từ việc xây dựng nội dung đào tạo, cử cán bộ tham gia đào tạo, tiếp nhận học viên thực tập và tuyển dụng học viên sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, cần phát triển đào tạo nghề đạt chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao của doanh nghiệp trong và ngoài nước; coi trọng việc đào tạo lao động trẻ theo công nghệ mới, đồng thời đào tạo lại cho lao động có tuổi.
“Chúng ta cũng cần có cơ chế thu hút lao động có kỹ năng, tay nghề cao sau khi kết thúc hợp đồng lao động ở nước ngoài trở về làm tại doanh nghiệp trong nước”, bà Lan Anh nói.
Thời Vũ
Xây dựng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp "là cái gốc của phát triển"
Bộ LĐTB&XH cũng như Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xác định việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo nói chung, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp nói riêng là “cái gốc” của mọi sự phát triển.
">