Quẹt smartphone bất cứ khi nào rảnh rỗi, điểm đến quen thuộc của Ngọc Quỳnh (23 tuổi, nhân viên Marketing) là trang cá nhân của các hot girl, hot boy, rich kid, hoặc những chàng trai, cô gái có lượng người theo dõi cao.Check-in sang chảnh, vẻ ngoài xinh đẹp, ăn mặc có gu, bất cứ loại sản phẩm nào được các hot face này sử dụng đều chiếm được kha khá lòng tin của Quỳnh.
Từ tin tưởng, cô cũng không ngại dốc hầu bao ra tậu các món hàng này về để mong có vẻ ngoài thu hút như các bức ảnh trên mạng.
Vài năm trở lại đây, những cá nhân có tầm ảnh hưởng rộng trên mạng xã hội hay các blogger nổi tiếng là kênh quảng cáo hữu hiệu được nhiều nhãn hàng sử dụng. Lời hay ý tốt mà nhóm người này nhận xét về sản phẩm sẽ đem lại một lượng khách hàng không nhỏ cho nhãn hàng.
Tuy nhiên, trên cương vị khách hàng, ngày càng nhiều bạn trẻ bày tỏ họ không còn tin vào những lời quảng cáo được chia sẻ có vẻ “chân tình” của người nổi tiếng hay “hot face” trên mạng nữa. Họ cho rằng người thực sự trải nghiệm sản phẩm thì ít mà đăng bài PR với mục đích thương mại thì nhiều.
|
Những cá nhân có tầm ảnh hưởng rộng trên mạng xã hội hay các blogger nổi tiếng là kênh quảng cáo hữu hiệu được nhiều nhãn hàng sử dụng. Ảnh: Instagram Steviealger. |
Thế hệ mua sắm qua điện thoại
Những năm gần đây, người trẻ, đặc biệt là thế hệ Millennials (những người sinh năm từ 1980 - 1995) và gen Z (những người sinh năm 1995 trở đi) ngày càng tỏ ra ít mặn mà hơn với các phương tiện truyền thông truyền thống như TV, báo đài. Thay vào đó, họ cập nhật tin tức, giải trí và mua sắm qua Internet.
Theo Marketingcharts,có tới 85% gen Z sử dụng mạng xã hội để tìm hiểu về các sản phẩm mới và 69% sẽ ghé thăm fanpage của một cửa hàng bán lẻ đó.
Để thu hút sự quan tâm của nhóm khách hàng trẻ, các nhãn hàng cần nhiều hơn đoạn video hay quảng cáo hiển thị trong các website.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Millwardbrown, gần 40% gen Z có thái độ tiêu cực đối với các quảng cáo trên mạng, 31% sử dụng phần mềm chặn quảng cáo trên máy tính.
Thay vào đó, họ tin tưởng nhận xét được chia sẻ từ những người mua hàng khác trên mạng xã hội, hoặc các review, chấm sao sản phẩm.
Lúc này, những Influencer hay KOLs sẽ là cách tiếp cận hiệu quả đối với nhóm khách hàng trên.
Dạo quanh một vòng trang cá nhân của các hot boy, hot girl hay đơn giản là các bạn trẻ có lượng người theo dõi lớn, không khó để bắt gặp những bình luận như: “Chị ơi, cái váy chị đang mặc đẹp quá, chị mua ở đây vậy?”, “Màu son xinh quá, bạn mua shop nào thế?” hay “Cho mình xin địa chỉ shop bán áo bạn mặc trong ảnh này với”.
Khi được chủ bài đăng tiết lộ địa chỉ mua, nhiều bạn trẻ sẽ chẳng ngại ngần vào fanpage của cửa hàng đó và mua lấy món đồ mình ưng.
Một tuần đi làm 5 ngày ở cơ quan thì có tới 4 ngày Phương Anh (25 tuổi, Hà Nội) có điện thoại gọi ra cổng lấy hàng từ shipper. Cô có thể dành vài giờ mỗi ngày để dạo qua các trang bán hàng, từ mỹ phẩm, quần áo tới đồ ăn.
“Trước khi quyết định mua một món đồ, mình thường đọc review từ người mua trước về sản phẩm hay tham khảo ý kiến của các blogger làm đẹp. Nếu một thỏi son được beauty blogger mình theo dõi review và dành lời khen, khả năng mình quyết định mua nó sẽ cao hơn”, cô nói.
Theo trang Hackernoon, xác suất Gen Z mua sản phẩm được đề xuất bởi Influencer cao hơn tới 1,3 lần so với sản phẩm được quảng cáo bởi người nổi tiếng trên TV hoặc phim truyền hình. Lý do bởi cảm giác quen thuộc, gần gũi như bạn bè mà những người này đem lại cho follower của mình qua các bài đăng.
Khi những người quảng cáo ‘không có tâm’
Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của những người trẻ nổi tiếng trên mạng xã hội đến lượng người theo dõi của mình. Sự gắn kết giữa họ và các follower chủ yếu đến từ sự tin tưởng, đồng điệu trong sở thích và cảm tình mà người theo dõi dành cho họ.
Tuy nhiên, không hiếm những “hot face” nổi tiếng, có lượt follow cao bị dân mạng phát hiện quảng cáo “chẳng có tâm”, cụ thể là không trực tiếp trải nghiệm sản phẩm nhưng vẫn giới thiệu cho mọi người. Những người này bị nhiều dân mạng cho là đăng bài quảng cáo chủ yếu vì lợi nhuận trước mắt.
|
Bạn gái Quang Hải từng dính lùm xùm PR lộ liễu, quảng cáo thuốc giảm cân và tăng cân cách nhau 5 ngày. Ảnh chụp màn hình. |
Là một trong những nàng WAGs hot nhất tuyển Việt Nam, Nhật Lê - bạn gái cầu thủ Quang Hải - cũng từng bị nhiều người “bóc phốt” quảng cáo lộ liễu, thiếu chuyên nghiệp.
Cụ thể, cuối tháng 8 năm ngoái, cô nàng đã PR thuốc giảm cân và tăng cân chỉ cách nhau 5 ngày. Sau đó, cô lại tiếp tục quảng cáo sản phẩm tăng chiều cao. Sau vụ lùm xùm, hình ảnh của 9X Quảng Nam bị ảnh hưởng ít nhiều, phần lớn bình luận bày tỏ họ không còn tin tưởng những sản phẩm mà cô nàng quảng cáo nữa.
Hay như gần đây nhất, câu chuyện nữ blogger ăn chay thuần Yovana Mendoza Ayres lừa dối người hâm mộ cũng thu hút nhiều sự chú ý.
Cụ thể, trong suốt 6 năm, Yovana xây dựng hình ảnh bản thân là người ăn chay và luôn nói về lợi ích, sự tích cực của chế độ ăn đặc biệt này. Cô gái 29 tuổi sở hữu hàng triệu người theo dõi, kiếm được số tiền không hề nhỏ từ việc nhận quảng cáo.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 3 vừa qua, những người theo dõi Yovana đã "sụp đổ niềm tin" khi thấy cảnh cô đang ăn cá trên video của một blogger khác. Dưới những bài đăng cũ, không ít người hâm mộ lối sống của Yovana đã để lại những bình luận tiêu cực, họ cảm thấy từ lâu nay mình bị lừa gạt.
|
Nữ blogger chia sẻ lối sống ăn chay thuần suốt 6 năm bị phát hiện ăn cá, khiến nhiều người hâm mộ thất vọng. Ảnh: Instagram NV. |
Dù sau đó Yovana giải thích rằng bản thân phải nạp thêm protein từ động vật do chế độ ăn chay thuần nhiều năm khiến cô bị thiếu chất trầm trọng, đám đông người theo dõi vẫn chẳng nguôi cơn giận, thậm chí bức xúc hơn khi nhận ra phương pháp ăn uống trước đó mà cô khuyên nhủ họ có thể gây tổn hại cho sức khỏe như thế nào.
“Thực sự mình cũng biết những bài đăng review sản phẩm của người nổi tiếng thường do được tài trợ hoặc nhận tiền PR. Chẳng ai có thể cấm cản họ. Tuy nhiên, dưới góc độ người mua hàng và là người theo dõi họ, mình mong những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội trung thực và có trách nhiệm với những sản phẩm mình quảng cáo hơn. Hãy biến bản thân trở thành một hình mẫu đáng tin cậy”, Đào Phương (23 tuổi, Nghệ An) bày tỏ.
Mất niềm tin với những bài đăng quảng cáo nhan nhản trên mạng xã hội từ lâu, Kiều Ngọc (Vĩnh Phúc) cho biết cô thường tự mình ra cửa hàng trải nghiệm sản phẩm hoặc mua theo lời khuyên của những người thân quen đã sử dụng trước đó.
"Mình chẳng còn tin những sản phẩm được mấy bạn 'hot face' quảng cáo trên mạng nữa. Biết là vẫn có nhiều bạn review ổn nhưng cũng không ít người vì lợi nhuận mà cái gì cũng PR được", cô nói.
‘Cái tâm’ vẫn là quan trọng nhất
Là một hot girl khá nổi trên mạng, Thùy Trang (20 tuổi) sở hữu hơn 100.000 lượt theo dõi trên Instagram và gần 6.000 follow tại Facebook. Cô được quan tâm khi thường xuyên đăng tải những bức hình trang điểm theo nhiều phong cách khác nhau.
Bên cạnh đó, Trang cũng hay review các loại mỹ phẩm và chia sẻ video dạy trang điểm. Trong số những sản phẩm 9X chia sẻ, có loại là cô tự mua, có món được tài trợ.
Giống nhiều bạn trẻ nổi tiếng trên mạng khác, Thùy Trang nhận được nhiều lời mời quảng cáo sản phẩm. Tiết lộ với Zing.vn,Trang cho biết giá trung bình cho mỗi bài đăng quảng cáo trên trang cá nhân của cô là 2 triệu đồng trở lên. Dù vậy, không phải sản phẩm nào Trang cũng nhận lời quảng cáo.
“Tiêu chí nhận quảng cáo của mình đó là các loại mỹ phẩm tạo màu là chính. Skincare (chăm sóc da) thì tuỳ sản phẩm. Mình sẽ không nhận những sản phẩm không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt liên quan đến kem trộn hay tăng, giảm cân”, 9X nói.
|
Bên cạnh việc luôn tự mình trải nghiệm sản phẩm rồi mới review, Thùy Trang sẽ không nhận quảng cáo cho các sản phẩm kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng. Ảnh: Instagram NV. |
Chia sẻ quan điểm về tình trạng nhiều “hot face” hiện nay chỉ nhận tiền quảng cáo rồi đăng bài mà không hề trải nghiệm sản phẩm, Thùy Trang cho rằng cái gì cũng có hai mặt của nó. Theo cô, các KOLs hay Influencer là kênh quảng cáo hữu hiệu dành cho các nhãn hàng nhắm vào đối tượng là giới trẻ.
Bên cạnh đó, cô cũng cho rằng những bạn trẻ có ảnh hưởng trên mạng như mình nên có chọn lọc trong việc nhận PR sản phẩm, tránh việc quảng bá những sản phẩm kém chất lượng đến người khác.
“Chí ít thì bản thân mình cũng nên đủ thông minh để biết sản phẩm nào tốt hay không tốt, ví dụ như giảm cân hay kem trộn thì không nên nhận”, Trang chia sẻ.
">