Từ nhiều năm trước, khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2000, dư luận bắt đầu nêu lên hiện tượng “quá tải” trong giáo dục phổ thông. Theo Bộ GD-ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông mới mới sẽ khắc phục được tình trạng này. |
Chương trình GDPT mới sẽ khắc phục được tình trạng quá tải ở các cấp học (Ảnh: Nguyễn Như Sỹ) |
6 nguyên nhân dẫn đến quá tải
Những năm gần đây, Quốc hội đã sửa đổi Luật Giáo dục, bỏ các kì thi tốt nghiệp tiểu học và trung học cơ sở. Bộ GD-ĐT liên tục cắt giảm nội dung và thời lượng học, điều chỉnh cách kiểm tra, thi cử. Nhưng việc học hành vẫn nặng nề, dư luận vẫn mong muốn chương trình, SGK phải thực hiện giảm tải nhiều hơn nữa.
Bộ GD-ĐT cho biết sự thực thì thời lượng học của học sinh phổ thông Việt Nam chỉ vào loại trung bình thấp so với các nước. Theo số liệu của OECD (Education at a Glance 2014: OECD Indicators), tính trung bình, mỗi học sinh tuổi từ 7 đến 15 ở các nước OECD học 7.475 giờ (60 phút/ giờ).
Trong khi đó, thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS theo Chương trình GDPT hiện hành của Việt Nam là 5.424 giờ, thấp hơn thời lượng học trung bình của các nước OECD tới 2.051 giờ.
Nội dung học tập của học sinh Việt Nam, trừ một vài trường hợp cá biệt, cũng không cao hơn các nước. Ví dụ, ngay những tuần đầu học lớp 1, học sinh Canada đã phải thực hiện phỏng vấn các bạn cùng lớp về số lượng, chủng loại vật nuôi trong nhà và trình bày kết quả thống kê thành biểu đồ. Mỗi ngày, học sinh phải đọc 1 cuốn sách với cha mẹ; mỗi tháng tối thiểu đọc 20 cuốn. Từ lớp 1 đến lớp 4, mỗi năm học sinh bang California, Hoa Kì phải đọc số lượng sách tương đương 500.000 từ…
Vậy, vì sao việc học hành của học sinh Việt Nam vẫn trở nên quá tải? Theo Bộ GD-ĐT, có thể nêu lên những nguyên nhân chính dẫn đến quá tải như sau:
Thứ nhất, nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết; nhiều nội dung không không thiết thực, vừa khó học, dễ quên, vừa không gây được hứng thú cho học sinh.
Thứ hai, phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức, khiến học sinh thiếu hứng thú học tập.
Thứ ba, thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, nhiều khi chưa tương thích với nội dung học tập; trong khi đó, giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với bài học, học sinh và điều kiện thực tế của trường, lớp mình.
Thứ tư, học sinh phải đối phó với nhiều kì thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT, do đó phải học nhiều.
Thứ năm, hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan chiếm thời gian nghỉ ngơi, khiến học sinh căng thẳng và mệt mỏi.
Thứ sáu, do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.
| GS Nguyễn Minh Thuyết giải thích sự giảm tải. Ảnh: Thanh Hùng |
|
|
Các biện pháp “giảm tải” trong Chương trình GDPT mới
Chương trình GDPT mới áp dụng 6 biện pháp “giảm tải” như sau:
Giảm số môn học và hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học)
Nhờ thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học, Chương trình GDPT mới giảm được số môn học so với chương trình hiện hành:
Theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.
Chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học.
Chương trình mới của các lớp THPT đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.
Giảm số tiết học
Ở tiểu học, học sinh học 2.838 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ ngày (9 buổi/ tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/ tuần), tính trung bình học sinh học 2,7 giờ/ lớp/ buổi học.
Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 3.124 giờ.
Ở THPT, học sinh học 2.284 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 giờ.
Giảm kiến thức kinh viện
Chương trình GDPT hiện hành thiên về trang bị kiến thức cho học sinh, do đó chứa đựng nhiều kiến thức kinh viện, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh.
Chương trình GDPT mới lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, cho nên xuất phát từ yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở từng giai đoạn học tập để lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.
Tăng cường dạy học phân hoá, tự chọn
Chương trình GDPT mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp THPT) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn.
Thực hiện phương pháp dạy học mới
Chương trình GDPT mới triệt để thực hiện phương pháp dạy học tích cực; theo đó, học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kĩ năng và vận dụng vào đời sống, còn thầy cô không thiên về truyền thụ mà đóng vai trò hướng dẫn hoạt động cho học sinh. Trong việc thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để giảm tải chương trình.
Đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục
Chương trình GDPT mới xác định mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.
Từ phương thức đánh giá đến nội dung đánh giá, hình thức công bố kết quả đánh giá sẽ có những cải tiến nhằm bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng lứa tuổi, từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội.
Bộ GD-ĐT cho rằng các giải pháp nói trên đã góp phần quan trọng giảm tải chương trình. Tuy nhiên, để khắc phục được triệt để nguyên nhân gây quá tải, cơ quan quản lí nhà nước ở địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lí việc dạy thêm học thêm; các bậc cha mẹ học sinh cũng cần tính toán để giúp con xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lí, tránh tạo thêm áp lực cho con ngoài giờ học ở trường.
Ngân Anh - Thanh Hùng
Công bố 27 chương trình môn học phổ thông mới
Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ GD-ĐT công bố tối 27/12.
">