Liên minh Chuyển đổi số sẽ tập hợp các doanh nghiệp ICT lớn, các chuyên gia đầu ngành, các viện nghiên cứu… với mục tiêu cùng liên kết, hợp tác, đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, tổ chức và doanh nghiệp triển khai và thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam (Ảnh minh họa: Internet).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TT&TT đang dự thảo Đề án “Chuyển đổi số quốc gia”, nhằm thực hiện những chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số - Digital Vietnam, trong đó tận dụng đầy đủ sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế xã hội, xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường. Dự thảo hiện vẫn đang trong giai đoạn tiếp nhận các ý kiến đóng góp, tư vấn, phản biện… để hoàn thiện hơn.
Theo Dự thảo 1.05 của Đề án, lộ trình chuyển đổi số Việt Nam sẽ gồm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ 2020 đến hết 2022 là giai đoạn tập trung xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số; triển khai các dự án chuyển đổi số ưu tiên trong những ngành nền tảng, trọng điểm. Giai đoạn 2, từ năm 2023 đến hết 2025 sẽ tăng tốc chuyển đổi trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Và giai đoạn 3, từ năm 2026 đến 2030 là giai đoạn chuyển đổi số toàn diện, với nền kinh tế, xã hội vận hành dựa trên công nghệ số, đổi mới và sáng tạo.
Dự thảo Đề án cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể, như đến năm 2025, Việt Nam thuộc Top 4 ASEAN về xếp hạng số hóa quốc gia; Chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam nằm trong Top 40 thế giới, Top 4 ASEAN.
Chỉ tiêu về chuyển đổi số nền kinh tế, theo Dự thảo, là phát triển ít nhất 80.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; đưa Việt Nam trở thành một trong các nhà sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, xuất khẩu phần mềm lớn trên thế giới và đưa công nghệ 4.0 phổ cập ở Việt Nam.
Cùng với đó, chỉ tiêu đặt ra cho chuyển đổi số doanh nghiệp đến năm 2025 là kinh tế số sẽ chiếm tỷ trọng 25% GDP; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển dịch lên nền tảng số; phát triển 5 doanh nghiệp Việt Nam hàng đầu thế giới về chuyển đổi số.
Đồng thời, với chuyển đổi số Chính phủ, mục tiêu đặt ra là đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc; 30% thủ tục hành chính được cắt giảm nhờ dữ liệu; 20% dịch vụ mới được phát triển dựa trên dữ liệu (data driven).