Long An thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của tỉnh này là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thu hẹp khoảng cách với thành thị.
Trong đó, đến 2025, Long An kỳ vọng có ít nhất 90% số hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% số hồ sơ công việc cấp huyện và 60% số hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Tất cả cán bộ tham gia Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn được tập huấn về chuyển đổi số. 70% số xã có các hợp tác xã, 70% huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% huyện có các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số...
Tỉnh đã tổ chức hàng trăm lớp đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khu vực nông thôn đồng thời phát triển hạ tầng, kết nối Internet đến cấp xã để tăng chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân.
Theo công bố, đến nay, mạng cáp quang băng rộng triển khai đến 100% xã. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 88,9%. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 99,9%. Tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt khoảng 87%. Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa đã có trạm phát sóng 5G và dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thời gian tới.
Tỉnh cũng xây dựng thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương. Đến nay có 41 chợ truyền thống ở các huyện ứng dụng thanh toán không tiền mặt.