2 thành phố lớn vẫn chưa có báo cáo Bộ Xây dựng về tình trạng dân cư khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản,àNộiTPHCMvẫnchưabáocáovềtranhchấpchungcưlich vạn niên 2024 các khu chung cư để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng theo yêu cầu.
Tiền tỷ mua chung cư, mệt mỏi vì tranh chấp
Như VietNamNet đã đưa tin, liên quan đến tình hình tranh chấp chung cư, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tổng hợp những nội dung khiếu nại của dân cư tại các dự án nhà ở đối với chủ đầu tư. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội và TP HCM báo cáo về tình trạng dân cư khiếu nại và phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản trước 30/11 để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.
Băng rôn được treo tại ban công của nhiều căn hộ khu Goldmark City. Những căng thẳng bao giờ sẽ tìm được tiếng nói chung? |
Tuy nhiên, trao đổi với PV VietNamNet, chiều ngày 19/1, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, đến thời điểm này, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có báo cáo về Bộ Xây dựng.
“Bộ Xây dựng yêu cầu nhưng các địa phương chưa báo cáo. Gần đây chúng tôi đã gọi điện nhắc nhở, các sở cho biết đang trình xin ý kiến sắp tới sẽ có báo cáo” – ông Ninh nói.
Việc báo cáo này xuất phát từ thực trạng gần đây tình trạng tranh chấp trong các khu chung cư gia tăng tại các thành phố trên. Theo ý kiến của cơ quan chức năng, nếu không có giải pháp hợp tình, hợp lý, tranh chấp ngày càng phức tạp và khó giải quyết.
Trên thực tế, trong thời gian vừa qua, tình hình tranh chấp tại không ít chung cư ở Hà Nội tiếp tục “leo thang”. Mới đây là căng thẳng tại chung cư Goldmark City khi dân chung cư bị cắt nước vì treo băng rôn ‘tố’ chủ đầu tư.
Trước những bức xúc trên, chiều ngày 19/1, đại diện UBND phường Phú Diễn đã có cuộc họp với Ban quản lý (BQL) và đại diện các hộ dân chung cư Goldmark City. Ông Đinh Quang Tâm – Phó Chủ tịch UBND phường Phú Diễn yêu cầu BQL dự án, chủ đầu tư ngay lập tức phải cung cấp điện nước trở lại cho các hộ dân để đảm bảo điều kiện sinh hoạt bình thường cho các hộ dân. Đồng thời nêu rõ: “Ban quản lý và chủ đầu tư không được thực hiện ngừng việc cung cấp và cắt điện nước của các hộ dân đang sinh sống tại khu chung cư. Nếu xảy ra việc ngừng cung cấp nước của các hộ dân thì BQL, chủ đầu tư là Cty Việt Hân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Nước đã được cấp trở lại tuy nhiên băng rôn vẫn phủ đỏ ban công các căn hộ. Cư dân cho biết sẽ tiếp tục treo thêm băng rôn để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các cam kết. Trong khi đó, nêu ý kiến tại cuộc họp trên, đại diện BQL đề nghị UBND phường xem xét phối hợp với các cơ quan đề cư dân tháo băng rôn đảm bảo cảnh quan của khu. Việc treo băng rôn sẽ còn kéo dài đến bao giờ? Và những căng thẳng bao giờ sẽ tìm được tiếng nói chung?
Cư dân Khu chung cư CT1A-B Mễ Trì Plaza “vỡ mộng” khi chủ đầu tư không hoàn thành các hạng mục tiện ích đã nêu trong hợp đồng cũng như tờ rơi quảng cáo. |
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, chỉ riêng năm 2017 đến nay, tình trạng tranh chấp chung cư diễn ra trên diện rộng tại Hà Nội và TP.HCM, từ những khu chung cư giá rẻ cho đến các dự án chung cư cao cấp. Các vấn đề tranh chấp, dân phản đối tập trung vào những nội dung như: Bàn giao không đúng tiến độ, tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị, phần diện tích chung – riêng, cách tính diện tích căn hộ, phí dịch vụ, phí bảo trì, chất lượng xây dựng, cơi nới trái phép, vấn đề PCCC, quảng cáo lừa dối…
Chuyện “quảng cáo thăng hoa, nhận nhà vỡ mộng” không phải là chuyện hiếm. Như tại khu chung cư CT1A-B Mễ Trì Plaza, Ban quản trị cũng có đơn kiến nghị về những bất cập tại đây.
Nêu tại đơn kiến nghị, Ban quản trị cho hay, kể từ khi được bàn giao căn hộ đến nay là gần 15 tháng (từ tháng 8/2016) nhưng Hội đồng hợp tác đầu tư gồm Tổng công ty phát triển phát thanh truyền hình thông tin (EMICO) và Công ty cổ phần Đầu Tư và Xây Dựng Xuân Mai (XMC) không thực hiện cam kết bàn giao tiện ích tòa nhà như trong hợp đồng mua bán với cư dân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống về an ninh, môi trường của cư dân.
Ông Trần văn Thưởng (thành viên Ban quản trị toà nhà) cho biết, căn cứ điều 11 khoản e, và mục 2 khoản C của Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư CT1A-B (Mễ Trì Plaza) hiện nay chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục cũng như tiện ích đã nêu trong hợp đồng cũng như tờ rơi quảng cáo sản phẩm do chủ đầu tư phát hành như: Phòng để hộp thư của các hộ dân, tường rào, bể bơi ngoài trời… Tính đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện xây dựng các khu đất theo như quy hoạch: bãi đỗ xe, sân tennis, bể bơi, nhà trẻ…
Hay tại tòa nhà Hei Tower, những mâu thuẫn đã diễn ra trong thời gian dài liên quan đến công tác bàn giao sau khi thành lập ban quản trị cũng như việc hoạt động kinh doanh tại tòa nhà. Đã có rất nhiều văn bản qua lại giữa Ban quản trị và chủ đầu tư - Công ty CP đầu tư Điện lực Hà Nội.
Một trong những vấn đề tại tòa nhà Hei Tower là hoạt động của nhà hàng Trill Group tại tầng 26 tòa nhà. Về vấn đề này, ban quản trị đã nhiều lần có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động của nhà hàng. Nêu tại văn bản gửi Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Điện lực Hà Nội, Ban quản trị cho rằng, việc Trill Group hoạt động đã từng ảnh hưởng đến cuộc sống an ninh trật tự và an toàn của tòa nhà. Trước đó đã từng xảy ra sự cố thang máy đặc biệt nghiêm trọng làm 2 khách hàng của nhà hàng bị thương nặng.
Tuy nhiên, trả lời về vấn đề này, theo Công ty CP Đầu tư điện lực Hà Nội, Trill Group hiện đang hoạt động tại phần diện tích thuộc sở hữu riêng của công ty, khi ký hợp đồng thuê mặt bằng, Trill Group cam kết hoạt động đúng với nội dung đăng ký kinh doanh và công ty chưa nhận thấy Trill Group có vi phạm pháp luật trong thời gian qua. Việc dừng hoạt động của Trill Group không thuộc thẩm quyền của Công ty CP Đầu tư điện lực Hà Nội.
Trong khi đó, cư dân tại đây bày tỏ lo lắng, việc chủ đầu tư tiếp tục để Trill Group hoạt động tại tầng mái tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với cư dân, thang máy tiếp tục sử dụng với tần suất nhiều hơn so với thiết kế sẽ có nguy cơ xảy ra sự cố. Đến nay, vấn đề vẫn dừng lại ở những văn bản qua lại giữa Ban quản trị và chủ đầu tư, chưa được giải quyết dứt điểm.
Phải có luật để chủ đầu tư không “cò quay”
Hình ảnh cư dân căng băng rôn, khẩu hiệu xuống đường tuần hành, phong tỏa tầng hầm, lập fanfage, gửi đơn thư cầu cứu... đòi quyền lợi với chủ đầu tư trở nên phổ biến ở nhiều khu chung cư từ bình dân đến cao cấp.
Đánh giá về tình trạng tranh chấp chung cư hiện nay, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và Bảo trì tòa nhà cho rằng, đây là một vấn đề nảy sinh trong thực tế đòi hỏi cần phải giải quyết.
Theo ông Hiệp, vấn đề về quản lý chung cư ngoài những quy định của nhà nước ra, Bộ Xây dựng cũng đang ban hành quy chế về quản lý nhà chung cư nhưng đi vào thực tế còn có độ trễ nhất định.
TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cần có luật quy định những vấn đề liên quan đến tranh chấp chung cư để giải quyết được tận gốc vấn đề. Bởi thực tế, không ít chủ đầu tư thường tìm các lỗ hổng về pháp lý để lách luật, “cò quay” và không giải quyết dứt điểm quyền lợi chính đáng của cư dân.
Cũng theo ông Liêm, thực tế có một số chủ đầu tư còn thách thức khách hàng kiện ra tòa vì cho rằng, một vụ kiện thường kéo dài, tốn kém, người mua nhà không đủ nhân lực và tài chính để theo đuổi đến cùng.
“Thực tế trong vấn đề quản lý chung cư có rất nhiều vấn đề mà về phía quản lý nhà nước cần có cuộc hội thảo để đưa ra được những văn bản cần thiết cải thiện tình hình. Hiện nay tình hình cứ bùng nhùng mà chẳng có cơ quan nào phân xử chẳng có ai giải quyết. Suốt ngày cứ hằm hè sống như vậy rất căng thằng mất hết hạnh phúc” – vị Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và Bảo trì tòa nhà nêu ý kiến.
Hồng Khanh
Tiền tỷ mua chung cư, nơm nớp nỗi lo tranh chấp
Cùng VietNamNet điểm lại những vụ việc lùm xùm tai tiếng liên quan đến các dự án chung cư 1 năm qua.