Bệnh tiểu đường là tình trạng cơ thể không thể sử dụng hormone insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả, đặc trưng bởi đường huyết tăng hoặc giảm khó kiểm soát. Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh tiểu đường là một trong nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Tăng insulin và yếu tố tăng trưởng giống insulin
Tình trạng kháng insulin ở người tiểu đường khiến cơ thể phải sản xuất nhiều insulin hơn nhằm duy trì đường huyết ổn định. Tuy nhiên, nồng độ insulin trong máu tăng cao có thể gây hại, bởi insulin và IGF (yếu tố tăng trưởng giống insulin IGF) có khả năng kích thích sự phân chia, phát triển của các tế bào, bao gồm cả tế bào ung thư. Quá trình này tạo điều kiện thuận lợi cho khối u đại trực tràng phát triển.
Rối loạn chức năng của mô mỡ và viêm mạn tính
Theo tiến sĩ Khanh, viêm mạn tính ở người tiểu đường có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư đại trực tràng. Tiểu đường type 2 thường đi kèm thừa cân, béo phì, viêm mạn tính. Đây đều là các yếu tố nguy cơ của nhiều loại ung thư.
Bệnh tiểu đường và béo phì tương tác lẫn nhau. Cụ thể là các yếu tố gây viêm do béo phì có thể làm suy yếu các tế bào β của tuyến tụy, tăng insulin máu và tăng đường huyết mạn tính dẫn đến béo phì nội tạng. Béo phì còn liên quan đến rối loạn chức năng của mô mỡ, đặc trưng bởi viêm mạn tính. Mô mỡ có thể hoạt động như cơ quan nội tiết, sản xuất các yếu tố gây viêm, axit béo tự do, adipokine, tăng sinh mạch, thúc đẩy khối u phát triển.
Tăng đường huyết
Tăng đường huyết làm giảm hiệu quả của hệ thống miễn dịch, giảm khả năng điều chỉnh mức độ của oxy phản ứng, thúc đẩy khối u hình thành và phát triển ở người bệnh tiểu đường. Tiến sĩ Khanh giải thích glucose là nguồn năng lượng chính cho tế bào, kể cả tế bào ung thư. Nồng độ glucose cao tạo môi trường thuận lợi cho tế bào ung thư phát triển nhanh và lan rộng.