Giáo sư Trần Đông A trong rất nhiều cuộc họp báo nói rằng,ườicanhcửasinhcửatửchocamổtáchhaibédương lịch khi bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức chưa đồng ý, không bác sĩ nào dám cầm dao mổ. Đặc biệt, gây mê hồi sức cho bệnh nhi còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Họ là người canh cửa sinh, cửa tử, đi sớm về trễ, lặng thầm ít được vinh danh song đóng góp rất to lớn.
Bác sĩ Tạ Thị Thúy Hằng - người theo dõi cửa sinh, cửa tử của hai bệnh nhi dính liền
Phương trình khó giải
Trong ca Phi Long - Phi Phụng cách đây bảy năm, BS CKII, Tạ Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa gây mê hồi sức BV Nhi đồng Thành phố, khi ấy là người hỗ trợ, khám tiền mê cho ca mổ. “Hồi đó, mình tự hào, hân hoan lắm khi được góp phần trong một ca mổ trọng đại”, bác sĩ Hằng nói.
Gần một tháng qua là những tháng ngày mất ăn, mất ngủ của bác sĩ Hằng cho cặp Trúc Nhi - Diệu Nhi. Chị giờ đây đảm nhận trưởng kíp gây mê cho ca đại phẫu phức tạp.
Chị phải tính toán thế nào để ổn định hô hấp, tuần hoàn, đồng thời đảm bảo độ mê, giảm đau đáp ứng theo nhu cầu của từng ê-kíp phẫu thuật chuyên khoa. Khi gây mê cho hai bé song sinh dính nhau, ê kíp gặp rất nhiều khó khăn.
Đầu tiên là giữ an toàn cho hai bé khi phải gây mê trong ca phẫu thuật kéo dài, thay đổi tư thế liên tục, nguy cơ chảy máu cao. Việc điều chỉnh liều lượng thuốc mê rất khó, hai bé dính nhau, không biết mỗi bé nặng bao nhiêu (tổng trọng lượng của cả hai là 15 kg).
Thuốc mê, thuốc tê vô cảm cũng ảnh hưởng đến huyết động. Nếu gây mê nông quá, bé dễ bị kích thích đau gây khó cho phẫu thuật. Còn gây mê sâu quá có thể gây giảm huyết động, tụt huyết áp, không đảm bảo an toàn cho bé.
Thứ hai, hai bé có thông nối tĩnh mạch vùng bụng chậu, thuốc mê cho bé này có thể thông cho bé kia. Sự giao thoa đó không rõ ràng, bởi có những tĩnh mạch giao thoa một chiều. Ở bé Diệu Nhi có một tĩnh mạch chậu trong đi thẳng tĩnh mạch chậu trong của bé Trúc Nhi.
Ngoài ra, còn có những vùng thông nối hai chiều nên việc giao thoa thuốc rất khó điều chỉnh. Do đó, ê-kíp phải có nhiều thay đổi để đảm bảo độ mê, giảm đau an toàn.
Đội dụng cụ viên của khoa gây mê hồi sức cho ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi
Thứ ba, cuộc đại phẫu kéo dài, nguy cơ mất máu nhiều. Do đó, bác sĩ gây mê phải theo dõi sinh hiệu, phát hiện những thay đổi để truyền máu, các chế phẩm tuần hoàn, giữ vững hoạt động tuần hoàn và các vấn đề cầm máu của hai bé.
Cuối cùng, quan trọng nhất là sự phối hợp nhịp nhàng của các thành viên trong ê-kíp gây mê và phẫu thuật trong suốt quá trình được chuyển qua nhiều giai đoạn khác nhau: tách rời - vận chuyển bé Trúc Nhi sang phòng khác - phẫu thuật tạo hình cho 2 bé - chuyển hai bé đến phòng hồi sức.
Những thách thức nan giải đặt lên vai bác sĩ Hằng - người mở màn cho chiến dịch sáng hôm ấy. 2h sáng 15/7, chị còn thức, 5h30, chị nhận bệnh nhân đưa vào phòng chuẩn bị cho tiền mê, rồi gây mê và giao lại cho các kíp phẫu thuật.
Suốt ca mổ, chị là người dõi theo, canh cửa sinh, cửa tử cho hai bệnh nhi để tất cả đường dao hoàn hảo xoay chuyển tạo hóa.
Ca mổ hai bé song sinh dính liền ở TP.HCM có sự góp mặt của nhiều chuyên khoa, trong đó có gây mê hồi sức
Điểm tựa vững chắc
Buổi sáng 15/7, vị giáo sư già Trần Đông A, người từng vang danh với ca mổ tách rời Việt - Đức cách đây 32 năm, đứng sau tham mưu cho ca mổ Diệu Nhi - Trúc Nhi. Đa số những người tham gia phẫu thuật là học trò của ông.
Trong đó có Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thị Minh Tâm, nguyên trưởng khoa Gây mê Hồi sức BV Nhi đồng 2 cũng là người cộng sự vững chắc của giáo sư Trần Đông A. Ở hầu hết các ca mổ tách song sinh trước đây, vị bác sĩ này hỗ trợ vai trò canh giữ cửa sinh tử.
Lần này, bác sĩ Tâm là người đứng sau tham vấn cho bác sĩ Hằng thực hiện ca Trúc Nhi - Diệu Nhi. “Bác sĩ Tâm là người chị, người thầy, sếp cũ có bề dày kinh nghiệm và từng chỉ bảo mình. Bởi vậy, hôm nay mình có thể tự tin làm trưởng kíp gây mê cho ca mổ lịch sử. Dù mình lo lắng nhưng đằng sau có một điểm tựa vững chắc giúp mình tự tin hoàn thành nhiệm vụ”, bác sĩ Hằng bày tỏ.
Giáo sư Đông A chia sẻ, bác sĩ Trương Quang Định, tổng chỉ huy ca đại phẫu và bác sĩ Minh Tâm là những cán bộ được cử đi học bên Pháp. Họ trở về và thực hiện được những ca mổ tách rời như Phi Long - Phi Phụng, ca Bình Phước và hôm qua là ca Trúc Nhi - Diệu Nhi.
Bác sĩ Hằng là người học trò xuất sắc của bác sĩ Tâm, đủ sức đảm trách trưởng kíp gây mê hôm qua.
Không chỉ nỗ lực cho một, hai ca mổ vang danh, bác sĩ gây mê giỏi còn phải tạo ra ê-kíp, đào luyện được người tài có thể giúp cho hàng ngàn bệnh nhi.
Sau ca mổ, bác sĩ Hằng vẫn tiếp tục theo dõi cho bệnh nhi thêm một ngày
Bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, chia sẻ, để có được sự thành công bước đầu trong ca mổ tách Trúc Nhi - Diệu Nhi phải nhờ đến một ê-kíp hiểu nhau, từng làm việc cùng nhau, thẳng thắn, dân chủ và nhất quán khi đưa ra những quyết định quan trọng cho ca mổ.
Riêng bác sĩ Hằng chốt giữ cánh cửa quan trọng vẫn khiêm tốn khi nói về mình. Chị khẳng định, thành quả là của sáu bác sĩ và bốn kỹ thuật viên gây mê cùng toàn bộ Khoa Gây mê Hồi sức. “Công sức không chỉ của 100 người có tên trong ca đại phẫu mà có những người không tên hỗ trợ để có cuộc mổ thành công”, bác sĩ Hằng nói.
Hiện tại, vị nữ bác sĩ vẫn túc trực tại viện theo dõi hai bệnh nhân sau mổ. Chị đảm nhận việc chăm sóc hai bé thêm một ngày nhằm giúp khối ngoại theo dõi sau mổ. Sau 24 giờ ca mổ thành công, chị mới tận hưởng được chút thảnh thơi.
Phan Nhơn
Hai bé song sinh có dấu hiệu ổn định, tỉnh sau mổ tách dính
Sau khi trở thành hai cá thể độc lập, Trúc Nhi - Diệu Nhi có những dấu hiệu ổn định, chỉ bị sốt nhẹ.