Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bắt đầu bằng việc bỏ phiếu qua thư vài tuần trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 5/11. Từ ngày 5/11, bỏ phiếu trực tiếp sẽ diễn ra tại thị trấn nhỏ Dixville Notch của bang New Hampshire và tiếp tục cho đến khi kết thúc vào 7h tối theo múi giờ Hawaii-Aleutian, tức là vào ngày 6/11 ở miền Đông nước Mỹ.
Cuộc đua vào Nhà Trắng hiện rất sát vạch đích, tuy nhiên, kết quả đang ngày càng khó đoán định và chắc chắn sẽ chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ.
Theo các cuộc thăm dò dư luận mới nhất, ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa và ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ đang "hòa nhau" trên toàn quốc và bám đuổi sít sao tại 7 bang chiến địa bao gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada, North Carolina, Pennsylvania và Wisconsin. Phó Tổng thống Harris chỉ dẫn trước cựu Tổng thống Donald Trump với khoảng cách mong manh 1%.
Trong cuộc bầu cử năm nay, đã có những thay đổi lớn trong các nhóm cử tri mà mỗi ứng cử viên hy vọng sẽ giúp họ giành chiến thắng. Ông Trump gia tăng lợi thế trong số các cử tri gốc La tinh và da màu, chủ yếu là nam giới.
Truyền thông Mỹ đánh giá rất khó dự đoán kết quả của cuộc bầu cử nếu chỉ dựa trên dữ liệu khảo sát số phiếu bầu sớm bởi có sai số. Hơn nữa, kết quả còn phụ thuộc vào chính sách vận động cử tri của từng đảng.
Đảng Dân chủ đang có lợi thế khi khoảng 39,5% số phiếu được bỏ sớm đến từ những người ủng hộ đảng này; trong khi đó khoảng 36,1% số phiếu được bỏ sớm thuộc về đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, 4 yếu tố quyết định sau đây sẽ có tác động tới lá phiếu của cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Một là, sự tham gia bỏ phiếu của cử tri Mỹ là một trong những yếu tố khó lường nhất. Ước tính có khoảng 160 triệu cử tri Mỹ đăng ký đi bầu trong cuộc bầu cử năm nay. Theo số liệu thống kê của tờ Washington Post, số lượng cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm khá cao. Tính đến ngày 1/11 (giờ Mỹ), hơn 69 triệu cử tri đã bỏ phiếu sớm (tính cả số phiếu bầu gửi qua đường bưu điện), phá vỡ kỷ lục ở một số bang, gần bằng 44% tổng số cử tri đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Tại bang Georgia, hơn 3,5 triệu cử tri đã bỏ phiếu, tương đương 45% số cử tri đăng ký, đánh dấu mức cao kỷ lục. Dự báo có tới 70% cử tri Georgia bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử này. Một số bang dao động khác cũng ghi nhận xu hướng tương tự.
Thông tin từ đảng Cộng hòa cho biết, ngày càng có nhiều cử tri ủng hộ ông Donald Trump đi bỏ phiếu sớm. Tại cuộc vận động ngày 30/10, ông Trump tuyên bố, đảng Cộng hòa đã lập kỷ lục về số lượng cử tri bỏ phiếu sớm. Trong khi đó, Đảng Dân chủ hy vọng, tỷ lệ cử tri nữ đi bỏ phiếu sớm chiếm đa số sẽ mang lại lợi thế cho bà Harris.
Tiến sĩ Michael McDonald tại Đại học Florida nhận định, số lượng phiếu bầu sớm tăng cao sẽ giúp hai ứng viên tập trung nỗ lực tranh cử ở giai đoạn nước rút khi ngày 05/11 đang rất cận kề. Giáo sư Julian Zelizer - Đại học Princeton đánh giá, có lẽ cử tri đã cảm nhận rất rõ về hai ứng viên tổng thống, hơn nữa, sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, các bang đã cải thiện quy trình bỏ phiếu sớm rất nhiều.
Các nhà quan sát chính trị đánh giá, làn sóng bỏ phiếu sớm cho thấy xu hướng dài hạn được thúc đẩy bởi đại dịch trong cuộc bầu cử năm 2020 đã dẫn đến sự thay đổi lâu dài trong thói quen bỏ phiếu của người Mỹ, với Ngày bầu cử ngày càng bị thay thế bởi Mùa bầu cử.
Hơn nữa, sự quan tâm ngày càng tăng của cử tri Mỹ đối với việc bỏ phiếu sớm cũng có thể phản ánh bản chất của cuộc đua tổng thống, khi các cuộc thăm dò ý kiến hầu như không thay đổi trong nhiều tuần và nhiều cử tri không cần nghe thêm từ các ứng cử viên để đưa ra quyết định.
Hai là, sự phân chia giới tính ở cộng đồng người Mỹ gốc Latin hoặc Mỹ gốc Phi trong việc ủng hộ hai ứng cử viên tổng thống. Theo đó, ở các bang chiến địa, ông Trump đang giành thế áp đảo trước bà Harris khi nhận được sự ủng hộ của cử tri nam giới với khoảng cách từ 12 điểm (Pennsylvania) đến 35 điểm (Bắc Carolina).
Trong khi đó, bà Harris dẫn đầu với khoảng cách từ 13 điểm (Georgia) đến 25 điểm (Bắc Carolina) khi nhận được sự ủng hộ của cử tri nữ. Theo số liệu thống kê, tại các bang Colorado, Georgia, Idaho, Michigan, North Carolina và Virginia, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm là phụ nữ chiếm khoảng 55% còn nam giới là 45%.
Các chuyên gia đánh giá, nếu đảng Cộng hòa giành được từ 20 đến 25% sự ủng hộ của cử tri nam gốc Phi ở Bắc Carolina, Georgia, Arizona và Nevada, nơi có tỷ lệ cử tri nam người Mỹ gốc Latin chiếm khoảng 50%, thì đó sẽ là một khó khăn với đảng Dân chủ của bà Harris. Do đó, bà Harris cần phải giành được sự ủng hộ nhiều hơn từ số cử tri nữ đi bỏ phiếu ở các bang khác như Michigan và Pennsylvania.
Ba là, các vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm nhất hiện nay bao gồm kinh tế, nhập cư, bảo vệ việc phá thai và bảo vệ nền dân chủ sẽ có tính quyết định với lựa chọn của họ.
Theo các cuộc khảo sát gần đây, ông Donald Trump chiếm ưu thế với kế hoạch cắt giảm thuế, chấm dứt lạm phát và ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp ở biên giới phía Nam.
Trong khi đó, bà Harris có được sự ủng hộ lớn từ các cử tri nữ liên quan đến quyền phá thai nhưng lại không có lợi thế trong các vấn đề liên quan việc bảo vệ thể chế. Ngày 2/11 (giờ Mỹ), hàng nghìn phụ nữ từ khắp nơi trên đất Mỹ đã tới thủ đô Washington tham gia cuộc tuần hành bày tỏ sự ủng hộ với bà Kamala Harris và quyền phá thai. Các cuộc tuần hành tương tự cũng được tổ chức ở một số thành phố khác của Mỹ.
Bốn là, yếu tố mang tính quyết định không kém phần quan trọng thuộc về những cử tri Mỹ đang dao động, chiếm 1/10 cử tri Mỹ. Những băn khoăn về tính cách thất thường của ông Trump cũng như sự mơ hồ trong các cam kết của bà Harris khiến cho các cử tri này chưa biết chọn ai. Số cử tri này chính là ẩn số mang tính quyết định trong chiến thắng của ông Donald Trump trước bà Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Chuyên gia Vladimir Vasiliev tại Viện Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đánh giá, không ai trong số hai ứng viên tổng thống Mỹ thuyết phục được cử tri về sự vượt trội của họ, để cử tri có thể quyết định dứt khoát ai là người nên được bầu.
Ngoài ra, một yếu tố khác cũng có thể tác động đến kết quả bầu cử là sự tham gia bỏ phiếu của cộng đồng người Mỹ gốc Ả Rập và Hồi giáo ở bang Michigan. Nếu bà Harris thua ông Trump ở bang này, bà sẽ cần phải giành chiến thắng ở một bang miền Nam khác để bù đắp.
Trong khi đó, trò đùa mang tính phân biệt chủng tộc, khiếm nhã của diễn viên hài Tony Hinchcliffe tại sự kiện vận động của ông Trump vào tối ngày 27/10 ở thành phố New York có thể khiến ứng viên đảng Cộng hòa phải trả giá đắt về tỷ lệ ủng hộ trong cộng đồng người Mỹ gốc Latin ở bang Pennsylvania, vốn là một cộng đồng đông dân ở bang chiến địa này.
Đây là một bang rất quan trọng với hai ứng cử viên tổng thống Mỹ vì nếu giành chiến thắng tại bang này, cơ hội trở thành tổng thống Mỹ là rất cao.
Cuộc bầu cử ngày 5/11 sắp tới là cuộc bầu cử 3 trong 1 của nước Mỹ bởi đây không chỉ là cuộc bầu cử tổng thống mà còn liên quan đến việc sắp xếp cán cân quyền lực ở Thượng viện và Hạ viện của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.
Cuộc bầu cử hiện đang ở thời điểm nước rút và rất kịch tính, khó đoán định. Không chỉ người dân Mỹ mà cả thế giới đang hồi hộp chờ đợi kết quả cuộc bầu cử này bởi nó không chỉ tác động rất lớn đối với nội bộ nước Mỹ mà còn với cả thế giới.